Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin xuất sắc giành giải nhất cuộc thi International STM32 Nucleo IoT Contest năm 2016

Một đề tài trong dự án WAND (Wireless Auto Note Device) của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Kỹ thuật máy tính - Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHCNTT) đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi International STM32 NUCLEO IoT Contest 2016 được tổ chức trong hội thảo eSAME 2016 tại thành phố Sophia Antipolis, Pháp.

Cuộc thi International STM32 NUCLEO IoT Contest 2016 là một cuộc thi quốc tế trong chương trình của hội thảo eSAME do công ty ST Microelectronics tài trợ. Cuộc thi có 13 đội tham gia dự thi gồm: 4 đội của Việt Nam và 9 đội của Pháp. Chủ đề của cuộc thi năm 2016 là sử dụng board ST NUCLEO-L052RE và X-NUCLEO-IDB04A1 để thực hiện một dự án về kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT).

Hội thảo SAME (Sophia Antipolis MicroElectronics) là một hội thảo lâu đời về lĩnh vực vi điện tử được tổ chức thường niên tại thành phố Nice và Sophia Antipolis. Vào năm 2014, SAME được tổ chức lần thứ 17 tại Sophia Antipolis và đây cũng là hội thảo cuối cùng dưới tên gọi là SAME. Đến năm 2015, tên gọi mới của hội thảo này là eSAME (embedded Software And Micro-Electronics).

Dự án nghiên cứu về thiết bị tự động ghi chú không dây WAND là một dự án nghiên cứu khởi đầu của nhóm nghiên cứu. Với dự án này nhóm muốn hướng đến một sản phẩm phục vụ cho ngành giáo dục, đặc biệt đối tượng hướng đến là các giảng viên. Đó là một sản phẩm bút trình chiếu không chỉ có tác dụng chuyển slide, laser pointer mà còn có khả năng ghi chú, đánh dấu trực tiếp trên slide bài giảng. Lúc này việc giảng dạy sẽ trở nên linh hoạt hơn, kiến thức trình bày trong slide sẽ trực quan hơn. Nhờ đó giúp sinh viên có thể tiếp thu bài học dễ dàng hơn. Ngoài ra, thiết bị này còn có thể được sử dụng cho sinh viên, diễn giả, kỹ sư thiết kế…trong việc thuyết trình.

Dự án WAND được chia làm nhiều bước và khởi đầu chính là  đề tài về “Sound of the Air”. Mục tiêu của đề tài là thiết kế một chiếc dùi trống có thể kết nối với smartphone, khi dùi trống đánh vào các vị trí khác nhau trong không trung, âm thanh của các trống khác nhau sẽ được phát ra giống như là ta đang đánh vào trống thật. Đề tài này mang tính chất tìm hiểu và ứng dụng cảm biến gia tốc trong việc xác định tọa độ của thiết bị, đây sẽ là bước tiền đề cho việc nghiên cứu và hiện thực hóa thiết bị WAND.

Hình ảnh nhóm nghiên cứu.

Tin: Phan Đình Duy