Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

10 ngành nghề có nhu cầu cao tại TPHCM

(Dân trí) - Dựa vào quy hoạch phát triển nhân lực thành phố, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã xác định 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao trong thời gian tới.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Theo quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2011-2015 thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực”.

Dựa vào định hướng phát triển trên và kết quả khảo sát về nhu cầu nhân lực liên tục trong 2 năm 2010-2011, Falmi nhận định có 10 nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu cao, mỗi ngành nghề chiếm tỷ lệ từ 6%-8% trong tổng hợp nhu cầu nhân lực hàng năm tại thành phố trong giai đoạn 2012-2015.

Cụ thể là các nhóm ngành nghề sau: Cơ khí – Luyện kim – Công nghệ ô tô xe máy; Hóa- Hóa chất – Y, Dược, Mỹ phẩm; Công nghệ chế biến thực phẩm; Công nghệ thông tin – Điện – Điện tử - Viễn thông; Xây dựng – Kiến trúc – Giao thông vận tải; Dịch vụ - Phục vụ - Du lịch – Giải trí – Nhà hàng – Khách sạn; Markerting – Kinh tế - Kinh doanh – Bán hàng; Quản lý – Hành chính văn phòng; Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Bảo hiểm; Dệt – May – Giày da – Thủ công mỹ nghệ.

 

Tỷ lệ nhu cầu nhân lực của TPHCM giai đoạn 2012 - 2015
Tỷ lệ nhu cầu nhân lực của TPHCM giai đoạn 2012 - 2015

Đây là một thông tin quan trọng cho các bạn trẻ khi bắt đầu đứng trước ngưỡng cửa chọn lựa nghề nghiệp. Bởi trong những yếu tố góp phần giúp bạn thành công trên bước đường sự nghiệp, ngoài việc chọn đúng nghề mình yêu thích và có năng lực đáp ứng công việc đó thì việc xã hội có nhu cầu với nghề nghiệp đó hay không là rất quan trọng. Rất nhiều bạn trẻ thất bại vì chọn những nghề thời thượng nhưng nhu cầu ít, số chỗ làm ít ỏi, tính cạnh tranh quá cao.

Theo ông Trần Anh Tuấn thì hiện thị trường lao động đang tồn tại 1 nghịch lý là có những ngành nghề doanh nghiệp cần nhiều nhân lực thì lại ít người học, những ngành cần ít nhân lực lại nhiều người học. Nghịch lý này cùng nhiều nghịch lý khác khiến thị trường lao động mất ổn định, chênh lệch cung cầu lên đến 30%.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Xu hướng thị trường lao động thành phố hiện nay và trong thời gian tới, vấn đề cần quan tâm nhất là sự phù hợp cung – cầu lao động”.

Để xây dựng thị trường cân bằng cung – cầu, Falmi đề xuất ngành lao động TP thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao; Tạo sự đồng bộ, liên kết, hợp tác giữa hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp…

Ngoài ra, Falmi cũng đề xuất TP nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của thành phố và các ngành khoa học xã hội; Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động; Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp…

Tùng Nguyên