Tuổi Trẻ trò chuyện cùng hai nữ thủ khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM là Đỗ Thị Thu Hiền (khoa mạng máy tính và truyền thông, ĐH Công nghệ thông tin), điểm bình quân 9,04 và Trần Võ Thảo Hương (khoa cơ khí, ĐH Bách khoa), điểm bình quân 8,94. Học giỏi, dĩ nhiên rồi, nhưng hai "bông hồng" ấy còn là những nữ cán bộ Đoàn - Hội năng động, nhiệt huyết.
Khi con gái chọn công nghệ
* Vì sao lại chọn học công nghệ mà không phải là một ngành nào đó nữ tính và nhẹ nhàng hơn?
- Thu Hiền: Cái duyên đến với công nghệ thông tin của tôi khá đơn giản. Tôi "chơi" với máy tính khá sớm và đặc biệt thích lập trình từ lúc học phổ thông.
Trong nhà lại có một người chị chọn học ngành này, quan sát chị học và làm dù lúc đó tôi chưa hình dung cụ thể công nghệ thông tin cần phải học những gì, nhưng bản thân thấy hứng thú hơn những ngành khác nên mong muốn được tìm hiểu sâu hơn.
- Thảo Hương: Từ thời phổ thông tôi đã nghiêng về các môn tự nhiên hơn. Những gì về kỹ thuật và công nghệ luôn có sức hút riêng với mình, đặc biệt là việc tìm ra các phương pháp, cách làm giúp công việc hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Khi vào đại học, mình chọn ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp và với mình đó luôn là một quyết định đúng đắn cho đến lúc này.
* Lớp học mà cả thế giới còn lại toàn nam, bạn có gì khó khăn trong quá trình học không?
- Thu Hiền: Ban đầu mình cũng có chút e ngại vì cả lớp có mỗi mình là nữ. Các bạn nam vốn nhạy với kiến thức mới nên thời gian đầu mình dường như khó bắt kịp.
Tuy nhiên, con gái dân công nghệ thông tin rất được "cưng". Các bạn nam luôn giúp đỡ nhiệt tình khi mình gặp vấn đề khó, chưa nắm rõ, nhờ vậy mà theo kịp các nội dung bài học.
Thầy cô cũng hiểu tâm lý nên mình được quan tâm, hỗ trợ rất nhiều và dần về sau, cảm giác lo lắng ban đầu không còn nữa.
- Thảo Hương: Theo học kỹ thuật với nữ thường được cho là khó khăn nhưng vẫn có nhiều lợi thế, đặc biệt là sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong phân tích, nghiên cứu... Thật ra ngành mình chọn không quá khô khan bởi đây là sự kết hợp giữa kỹ thuật và kinh tế.
Ở đó, mình được rèn luyện tư duy, cái nhìn hệ thống cho mọi vấn đề, kể cả trong công nghiệp lẫn trong đời sống. Từ đó đưa ra các phương án giải quyết, giúp công việc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Khám phá lợi thế bản thân
* Cột mốc đáng nhớ trên hành trình đi đến danh hiệu thủ khoa của bạn thế nào?
- Thảo Hương: Không phải con đường nào cũng trải đầy hoa hồng. Mình từng mất định hướng sau hơn một năm học đại cương nên việc học có bị ảnh hưởng một chút. Khoảng thời gian đó thầy cô và bạn bè đã động viên, khuyên mình rất nhiều.
Không phải những lời chỉ bảo rõ ràng mình phải làm gì, phải theo con đường nào. Đơn giản ấy là những phân tích về ưu điểm, hạn chế cho từng lựa chọn, còn quyết định dĩ nhiên thuộc về mình.
Giờ nghĩ lại chính những phân tích đó đã giúp mình có cái nhìn rõ hơn, bao quát hơn về những gì đã chọn lựa và đang tiếp tục theo đuổi.
- Thu Hiền: Mình chưa từng nghĩ đến phải tốt nghiệp thủ khoa khi bước chân vào giảng đường, chỉ là luôn cố gắng nỗ lực hết khả năng của mình trong suốt bốn năm vừa qua.
Nên cũng không dễ để chọn ra đâu là cột mốc đáng nhớ nhất vì với mình, kết quả nào cũng cần được trân trọng, dù là tốt hay xấu để đạt được kết quả xứng đáng.
* Bạn tự đánh giá đâu là lợi thế của bản thân, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và bạn lại tốt nghiệp một ngành công nghệ?
- Thu Hiền: Hầu hết các lĩnh vực trong đời sống hiện nay đều có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Các công nghệ mới không ngừng được phát triển để đáp ứng nhu cầu của xã hôi.
Cơ hội tiếp xúc với công nghệ trong quá trình học phần nào giúp tụi mình có được sự nhạy bén để bắt kịp các công nghệ mới, thích nghi với sự thay đổi và phát triển liên tục của công nghệ thông tin.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin hiện vẫn còn hạn chế và có nhu cầu cao, việc tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin có thể là một lợi thế của mình và những bạn chọn học ngành này khi làm việc.
- Thảo Hương: Tương lai về việc làm và các hướng nghiên cứu đối với ngành của tôi có thể nói khá triển vọng tại VN, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi các hoạt động sản xuất và đời sống.
Với lợi thế về tầm nhìn hệ thống, tổng quát cùng các kỹ năng mềm cần thiết đã được rèn luyện ở giảng đường, tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội đến với mình cũng như các bạn cùng ngành.
Tích cóp "vốn" vào đời
* Học giỏi, sống với phong trào, bạn nghĩ mình đã nhận được gì từ những tháng ngày vừa qua?
- Thảo Hương: Mình dành thời gian khá nhiều cho các hoạt động Đoàn - Hội, câu lạc bộ, đội nhóm ở đại học vì không chỉ yêu thích mà còn giúp học hỏi được nhiều điều mà giảng đường không thể dạy hết cho mình được. Qua phong trào, mình có cơ hội áp dụng nhiều điều của ngành học vào thực tế.
Mà Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện hay đến với Trường Sa trong "Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" không thể phủ nhận là những trải nghiệm đã góp phần tạo thêm động lực cho việc học của mình...
- Thu Hiền: Nếu chỉ là học thôi e rằng sẽ nhàm chán lắm! Việc học vẫn ưu tiên hàng đầu nhưng tham gia hoạt động phong trào đã giúp thời sinh viên của mình năng động, thêm trải nghiệm và đáng nhớ hơn.
Thật lòng là năm đầu tiên ấn tượng về Đoàn - Hội với mình mờ nhạt lắm. May mắn được quen với một số cán bộ Đoàn - Hội nhiệt huyết, mình được "lây" chút lửa của họ, đến với nhiều hoạt động hơn, thêm nhiều bạn mới, dạn dĩ và "nhoi" hơn một chút.
Nhờ đó tích cóp thêm nhiều kỹ năng mà nếu chỉ vùi đầu vào bài vở mình sẽ chẳng thể nào có được.
Nguồn: tuoitre.vn