Sau những năm đầu bỡ ngỡ, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng mạnh, có khả năng giữ vai trò đột phá, mở đường cho đất nước tiến vào một giai đoạn phát triển mới.
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Triển khai hoạt động năm 2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông, diễn ra chiều 26/12.
Để tiềm lực trở thành động lực phát triển
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định ngành thông tin truyền thông phải là động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định rằng, những đóng góp của ngành CNTT Việt Nam trong suốt thời gian qua cho xã hội, cho nền kinh tế là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, VN vẫn cần tạo ra những động lực mới để vươn lên, để bứt khỏi nhóm đang phát triển của thế giới. "Muốn tạo động lực thì phải xem chúng ta còn tiềm lực gì để phát huy lên. Theo tôi thì tiềm lực từ CNTT - Truyền thông sẽ có vai trò quyết định".
Theo các chuyên gia kinh tế, cần xác định phát triển CNTT không chỉ là động lực cho riêng các doanh nghiệp trong ngành, mà còn phải là lực đẩy cho toàn nền kinh tế, giúp các lĩnh vực, ngành nghề khác trong xã hội hiện đại hóa, phát triển mạnh. Muốn vậy, CNTT-TT phải trở thành một công cụ, một nền tảng cho phương thức lao động mới của toàn bộ xã hội, thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực, khía cạnh của đời sống.
Đó chính là mục tiêu của Đề án Sớm đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT, đồng thời cũng là mục tiêu của dự án Phát triển Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (giai đoạn 2006-2013).
Chính phủ Điện tử đã sẵn sàng
Triển khai đã qua 7 năm, Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng và được đánh giá là đã góp phần nâng tầm dịch vụ công, giảm chi phí, thời gian giao dịch đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân và̀ DN vào quá trình hoạch định chính sách. Được đầu tư từ nguồn vốn ODA hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới với 4 dự án thành phần, dự án nhắm đến các mục tiêu quan trọng là: Hỗ trợ Bộ TT&TT trong việc phát triển các thể chế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hoạch định chính sách trong lĩnh vực CNTT-TT; Hỗ trợ các đơn vị thụ hưởng nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và các doanh nghiệp; Trợ giúp sự phát triển kinh tế tư nhân; Tăng cường nhận thức và khả năng ứng dụng CNTT-TT có hiệu quả cho người dân.
Theo đó, Dự án đã giúp Bộ TT&TT hoàn thiện khung CPĐT cho các Bộ và địa phương; giúp Tổng cục Thống kê hoàn thiện Kiến trúc tổng thể; giúp Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hà Nội xây dựng Kiến trúc tổng thể CPĐT; giúp Thành phố Đà Nẵng triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Con người luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của việc phát triển CNTT-TT. Hiểu được tầm quan trọng đó, Dự án đã tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho các cán bộ quản lý Nhà nước cũng như một bộ phận doanh nghiệp. Trên 500 Lãnh đạo thông tin (CIO) của các Bộ, Ban, Ngành, các tỉnh thành phố trên cả nước và một bộ phận doanh nghiệp; và hơn 1000 cán bộ của Bộ TT-TT và một bộ phận các doanh nghiệp đã được đào tạo.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT-TT là một mục tiêu quan trọng của Dự án. Các trung tâm dữ liệu công suất lớn được xây dựng cho Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Đà Nẵng và Hà Nội nhằm lưu trữ thông tin tập trung thống nhất, cài đặt các dịch vụ công phục vụ công tác quản lý nhà nước tại Bộ và các địa phương. Tiểu dự án Bộ TT-TT đã xây dựng hệ thống truyền thông hợp nhất, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, tăng cường kết nối giữa Bộ TT&TT và các cơ quan trực thuộc; Trang bị hệ thống hội nghị truyền hình, máy chủ và các trang thiết bị cần thiết; Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 12 tỉnh, thành, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước tại các địa phương. Ngoài ra, Dự án cũng góp phần nâng cấp hệ thống Root CA, phục vụ triển khai chữ ký số và CPĐT; xây dựng trung tâm đo kiểm đánh giá các giải pháp CNTT cho việc phát triển CPĐT.
Trải nghiệm dịch vụ hành chính công hoàn toàn mới
Trung tâm Giao dịch CNTT-TT Đà Nẵng được xây dựng nhằm hỗ trợ quản lý, khai thác và ứng dụng cơ sở kỹ thuật hạ tầng về CNTT-TT.
Riêng tại Đà Nẵng, trung tâm Giao dịch CNTT-TT được xây dựng nhằm hỗ trợ quản lý, khai thác và ứng dụng cơ sở kỹ thuật hạ tầng về CNTT-TT; Tổng đài hành chính công Đà Nẵng ra đời, cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế-xã hội Tại đây đã hình thành Mạng đô thị Thành phố kết nối trên 90 Sở, Ban, Ngành và đặc biệt là trên 170 điểm kết nối Wi-Fi trải khắp thành phố, phục vụ miễn phí người dân và khách du lịch. Đồng thời hệ thống quản lý giao thông công cộng thông minh với hơn 100 xe buýt được lắp thiết bị định vị toàn cầu, lịch trình xe buýt truy cập thông qua ứng dụng mobile hay website. Các hệ thống đăng ký bằng lái xe, đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đã được hoàn thành và sẽ sớm được đưa vào sử dụng.
Một thành công nổi bật nữa của Dự án là đã đưa vào sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến (G2G, G2C, G2B). Bộ TT&TT đang tiến hành triển khai để đưa vào sử dụng 3 dịch vụ công trực tuyến mới là đăng ký tần số, đăng ký xuất bản, đăng ký danh mục xuất bản các ấn phẩm nhập khẩu, giảm thời gian đăng ký 40% cho người dân và doanh nghiệp.
Tương tự, Tổng đài hành chính công Đà Nẵng cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế - xã hội, cổng đào tạo trực tuyến với hơn 400 khóa đào tạo CNTT và các kỹ năng mềm. Cổng thông tin TP Hà Nội cũng cung cấp hơn 2.000 dịch vụ công. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tiến hành xây dựng Hệ thống cung cấp visa điện tử, đang được triển khai lắp đặt tại 95 cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, dự định đưa vào sử dụng quý I/2014.
Ông Phạm Quang Tú - Giám đốc Ban quản lý Dự án cho biết, Việc triển khai dự án là rất khó và phức tạp bởi giá trị kinh phí cho các dự án dự án CNTT không lớn so với dự án thuộc các lĩnh vực khác, nhưng phạm vị triển khai dự án CNTT lại thường khá rộng và mức độ ảnh hưởng, tác động lâu dài của dự án CNTT đối với xã hội khá lớn. Chính vì vậy, muốn dự án thành công rất cần sự quyết tâm, thống nhất cao từ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng CNTT cho toàn xã hội. Song song với nó là hoàn thiện hệ thống pháp lý giúp cho việc triển khai, ứng dụng thuận lợi và hiệu quả.
Trích: vietnamnet.vn