Bận rộn trong ngày đầu tiên đến Việt Nam, Giám đốc điều hành Apple những năm 80 John Sculley, cho rằng, người Việt thông minh và cần cù, họ cần những thần tượng để theo đuổi ước mơ.
> Người đuổi Steve Jobs khỏi Apple: 'Nếu có thể, tôi sẽ làm khác'
"Việt Nam là đất nước đang có những thách thức và khó khăn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, các bạn có nhiều tài năng cùng với bản tính thông minh và cần cù", John Sculley chia sẻ trong một buổi nói chuyện với giới doanh nhân và công nghệ sáng 24/4 tại TP HCM.
Theo Sculley, người Việt ham học hỏi, tò mò và nhẫn nại. "Nhiều người nước ngoài có cái nhìn lạc quan về đất nước này. Và đó cũng là nhận xét của tôi về các bạn". Đến Việt Nam và dẫn theo những học trò thành công từ ngày đầu khởi nghiệp, John Sculley bày tỏ, cũng giống như tập thể thao, bạn cần những thần tượng để học hỏi. Trong công nghệ, Việt Nam cần có những mẫu hình để đi theo, những thần tượng để vươn tới.
John Sculley tại buổi giao lưu tại TP HCM ngày 24/4. Ảnh: Huy Đức. |
Bằng chất giọng trầm và ánh mắt sáng, John Sculley chinh phục các thính giả bằng nhiều ví dụ về quản trị, lập nghiệp. Cựu CEO Apple cho biết, các thành công luôn diễn ra ở điểm rìa. Khi có một xu hướng đang diễn tiến, những người đứng trong làn sóng đó sẽ chiến thắng. Lấy ví dụ về Việt Nam, ông cho rằng, một đất nước đang phát triển, kinh doanh điện thoại di động hay ôtô là những nghành béo bở. Công nghệ cũng là một trong những làn sóng có sự thay đổi mạnh mẽ. Những doanh nhân nắm bắt được cơ hội sẽ thành công.
Các công ty nước ngoài có tiềm lực, tuy nhiên doanh nghiệp địa phương vẫn có thể phát triển khi tận dụng cơ hội. "Các bạn là người hiểu rõ thị trường nội địa, cơ động hơn các công ty khổng lồ", ông nói. "Dù tôi không hiểu về thị trường Việt Nam, nhưng nếu 5 năm nữa, khi chúng ta nhìn lại, sẽ thấy doanh nghiệp thành công là nhờ nêu cao giá trị linh hoạt và thích nghi".
"Có bạn hỏi, có phải tôi sa thải Steve Jobs không? Thực sự là không. Đấy là câu chuyện người ta thêu dệt, bản thân tôi không ký quyết định sa thải ông ấy", John Sculley trầm giọng nói. "Nhưng tôi vẫn xem đó là một thất bại của mình. Có thể lúc đó, tôi chưa đủ thông minh, hay sau này, tôi cũng không chủ động mời Steve quay lại. Và ông ấy đã đi thành lập công ty khác".
Cựu CEO Apple cho rằng, khi chúng ta sống trong nền công nghệ cao, mọi chuyện diễn tiến quá nhanh. "Khi nhìn lại, tôi ước lúc đó, mình có một người dìu dắt, một người nói với tôi rằng: khoan, hãy ngồi lại cùng Steve Jobs để thảo luận".
Kể về lý do Steve Jobs ra đi, John Sculley cho biết, khi đó, Jobs muốn làm một cái máy tính cho giáo dục trị giá 10.000 USD. Tuy nhiên, công nghệ, bộ nhớ chưa đủ để thực hiện ý tưởng. Giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn. Sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs tiếp tục phát triển ý tưởng và sau này được đưa vào Mac OS. "Ông ấy đã đi đúng hướng, nhưng nó đến sớm mất 10 năm".
"Steve là một thiên tài sáng tạo và đã làm Apple thành công", John Sculley nhấn mạnh. "Khi đến Apple, tôi không biết gì về máy tính, nhưng đã có Steve Jobs. Tôi được mời về để giữ Apple thành công về thương mại, không dính dáng đến kỹ thuật. Jobs đề nghị tôi phát triển về tiếp thị, ông ấy muốn máy tính sẽ được bán như Coca Cola, Pepsi".
Làm việc cho ngành công nghệ cao khoảng 30 năm. John Sculley chia sẻ, ông tham gia vào Apple trong giai đoạn máy tính cá nhân vẫn còn sơ khai. Lúc đó, hiếm có người nào hình dung chiếc máy vi tính rồi sẽ như thế nào. Nhưng đã có những nhân vật kiệt xuất với tầm nhìn như Bill Gates, Steve Jobs.
Chiếc Macintosh được phát triển ra bởi những người có tuổi đời 22. Thành viên nhỏ nhất chỉ là cậu nhóc 14 tuổi. John Sculley cho rằng, việc kinh doanh, khởi nghiệp bắt đầu từ những người trẻ. "Những năm 80, khi chúng tôi sản xuất Macintosh, phải đến những năm 90, máy đồ họa mới phổ biến. Trong khi iPhone chỉ 3 năm đã phủ sóng toàn cầu. iPad thậm chí còn nhanh hơn, chỉ trong một năm".
Quốc Huy - Huy Đức