Với niềm tin rằng mỗi người đều có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình, Đặng Thành Duy - cựu sinh viên khoa Công nghệ Phần mềm trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM chọn bắt đầu hành trình bằng những điều bình dị: chăm chỉ học hành, tích lũy kinh nghiệm, và luôn giữ một tâm thế cầu tiến. Hiện tại, Thành Duy đang công tác tại Mexico với vai trò Java Software Engineer trong một dự án quốc tế của FPT Software – một trong những công ty dịch vụ phần mềm lớn nhất Việt Nam
Cựu sinh viên Đặng Thành Duy cùng gia đình trong Lễ tốt nghiệp tại UIT
Hành trình chinh phục lĩnh vực Công nghệ thông tin
Mọi hành trình đều bắt đầu từ một điểm rất nhỏ. Với Thành Duy, hành trình làm nghề được đánh dấu bằng mùa hè năm 2016 – thời điểm anh còn là sinh viên năm cuối tại UIT. Trong một lần công ty FPT Software có tổ chức chương trình thực tập tại UIT, anh Duy đã đăng ký tham gia. Dù kỳ thực tập chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 tháng, nhưng với anh, đó là lần đầu tiên được va chạm thật sự với công việc thực tế, lần đầu hiểu thế nào là deadline của một dự án phần mềm, thế nào là teamwork tại doanh nghiệp. Thành Duy chia sẻ: “Kết thúc kỳ thực tập, mình được làm việc chính thức tại FPT Software khi còn là sinh viên năm cuối. Khoảng thời gian vừa học vừa làm này đã giúp mình rèn kỹ năng quản lý thời gian, tự học và ý thức trách nhiệm với cả việc học lẫn công việc.”
Sau ba năm làm việc tại FPT Software, chàng cựu sinh viên quyết định rời công ty để tìm cho bản thân nhưng thử thách mới. Tuy bước đi này không dễ dàng, nhưng với một người luôn muốn vượt giới hạn bản thân, hơn ai hết anh hiểu rằng nếu cứ ở mãi trong vùng an toàn sẽ không có cơ hội để trưởng thành hơn nữa.
Anh chuyển sang một công ty startup nhỏ và làm ở đó 6 tháng, sau đó, Thành Duy gia nhập một công ty công nghệ Thụy Sĩ có văn phòng tại Việt Nam, nơi anh được tiếp cận với tiêu chuẩn làm việc toàn cầu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phản biện và xử lý tình huống trong môi trường đa quốc gia. Và sau hơn 2 năm lăn xả ở nhiều môi trường khác nhau, nhận thấy bản thân đã đủ “chín mùi” hơn, chàng cựu sinh viên UIT quyết định quay trở lại FPT Software – lần này là với một khát vọng lớn hơn: vươn ra thế giới.
Đặng Thành Duy hiện đang công tác tại Mexico
Bước ngoặt quan trọng đến với anh Duy vào năm 2022, khi FPT Software triển khai dự án near-shore cho khách hàng tại Mexico và cần kỹ sư sang tận nơi hỗ trợ và nhóm của anh được chọn là nhóm tiên phong tại thị trường quốc gia Bắc Mỹ này. “Hình ảnh trên truyền thông về tội phạm và bạo lực ở Mexico từng khiến mình do dự. Nhưng sau đó mình có chủ động tìm hiểu, đánh giá kỹ về môi trường làm việc và bối cảnh dự án. Cuối cùng thì mình cũng quyết định đi. Và đến nay thì mọi thứ vẫn ổn.”
Có cơ hội chinh phục những dự án công nghệ cho đối tác nước ngoài là thế, nhưng những ngày đầu ở nơi xứ lạ với chàng cựu sinh viên cũng không mấy dễ dàng. Anh Thành Duy cho hay: “Chênh lệch múi giờ, khác biệt văn hóa, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ khi mà Mexico là đất nước nói tiếng Tây Ban Nha, nên mình vừa phải học thêm tiếng Tây Ban Nha vừa luyện thêm tiếng Anh. Lúc đầu đúng là khá căng, nhưng rồi từ những câu giao tiếp cơ bản, mình cũng dần tự tin hơn, bắt đầu hiểu đối phương đang nói gì và diễn đạt lại ý mình một cách rõ ràng hơn”. Hành trình trau dồi kiến thức để hội nhập quốc tế ấy tuy vất vả nhưng giúp anh từng bước hòa nhập, hiểu đối tác hơn và thực sự trở thành một phần của đội ngũ quốc tế.
Làm nghề bằng trái tim và sự tử tế
Trải qua nhiều năm làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với Thành Duy kỹ sư IT không chỉ là người giỏi viết code, mà còn phải là người thấu hiểu bài toán, nắm chắc giải pháp và sẵn sàng đồng hành cùng đồng đội trong mọi hoàn cảnh. Anh Duy tâm niệm: “Dù ở bất kỳ vị trí nào, điều quan trọng nhất là giữ trọn trách nhiệm với công việc của mình, không chờ ai nhắc nhở, không đợi người khác làm thay. Khi làm việc bằng sự tử tế và thái độ nghiêm túc, bạn sẽ tự khắc tạo dựng được chỗ đứng vững chắc.”
Làm việc trong môi trường quốc tế càng khiến chàng cựu UITer nhận ra: “Kỹ thuật chỉ là một phần. Điều quan trọng không kém là khả năng giao tiếp, trình bày vấn đề, trao đổi phản biện và phối hợp nhóm.”
Anh Thành Duy cũng chia sẻ, bài học lớn nhất mà anh tích lũy được trên hành trình phát triển sự nghiệp chính là tinh thần tự học: “Khi gặp khó khăn, không ai có thể giải quyết thay mình. Đó là lúc bạn phải mày mò, tự hỏi, tự tìm và kiên nhẫn thử từng cách. Chỉ khi bạn thực sự dấn thân, giải pháp mới dần hiện ra.”
UIT - nơi khởi đầu, hình thành bản lĩnh hội nhập quốc tế
Dẫu hành trình sự nghiệp đã đưa anh đi qua nhiều quốc gia và dự án lớn, nhưng với anh, UIT vẫn luôn là điểm tựa đầu tiên – nơi gieo mầm đam mê công nghệ và rèn giũa nền tảng học thuật vững vàng. “Theo mình thì UIT trang bị cho sinh viên kiến thức ở tầng cao, khi bạn mới ra trường, bạn có thể không cần tới, nhưng ở level cao hơn, kiến thức về hệ thống, về thiết kế khi được học ở trường sẽ giúp rất nhiều cho bạn.”
Bên cạnh đó, với Thành Duy, UIT không chỉ trang bị kiến thức, mà còn truyền cho sinh viên một cách học – học để hiểu gốc rễ vấn đề, học để giải quyết bài toán thực tế. Đặc biệt, những kỹ năng như làm việc nhóm, phản biện và tự học chính là hành trang quý giá giúp anh thích nghi tốt hơn trong thế giới công nghệ luôn chuyển động. Và đặc biệt, môi trường học thuật cởi mở, năng động và thầy cô tận tâm tại UIT đã giúp cho anh Duy – một sinh viên từng “lười và chậm tiêu” trở thành một kỹ sư bản lĩnh, tự tin hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, Thành Duy cũng dành lời khuyên cho các sinh viên IT về việc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ từ sớm “Bạn có thể học kỹ thuật sau này, nhưng tiếng Anh phải rèn từ sớm. Nhiều bạn mình phỏng vấn thực tập giỏi kỹ thuật nhưng yếu tiếng Anh, mình không dám nhận vì không thể làm việc nhóm, không giao tiếp với khách hàng được.”
Thái độ tốt, tinh thần học hỏi – chìa khóa để không bị bỏ lại phía sau
Với anh Thành Duy, ngành Công nghệ Thông tin đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi AI không còn là xu hướng mà là nền tảng cốt lõi, len lỏi vào mọi mặt đời sống. Không giống như những trào lưu thoáng qua, AI đang chứng minh tính ứng dụng bền vững – và sinh viên công nghệ cần học cách tiếp cận AI một cách thực tế, như một công cụ làm việc, không chỉ là kiến thức trong sách.
“Kỹ sư IT hiện nay không chỉ cần giỏi kỹ thuật mà còn cần các kỹ năng mềm, đó sẽ là những yếu tố giúp các bạn tạo dấu ấn với doanh nghiệp, với khách hàng. Và chỉ cần bạn chịu học, chịu làm, và có thái độ tốt thì cánh cửa việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ luôn rộng mở.”