Tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, chương trình tài năng tại UIT năm 2017, anh Hồ Minh Mẫn tiếp tục trúng tuyển và theo học ngành Science and Engineering tại Đại học Hosei. Sau thời gian học tập tại Nhật, anh Mẫn quyết định sang Mỹ để tìm cơ hội phát triển phù hợp hơn với bản thân.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh Hồ Minh Mẫn trên hành trình thú vị này:
Hứng thú văn hóa Nhật Bản
- Trước đó, anh đã từng có ý định đi du học hoặc ra nước ngoài làm việc chưa?
Lúc mới ra trường mình chưa có dự định đi du học nước ngoài. Khi đi làm được một thời gian thì mình mới quyết định đi du học. Lúc đó, mình làm Computer Vision Engineering ở EyeQ rồi có cơ hội được gặp anh Tuấn và anh Cát, là tiến sĩ ở Úc. Mình được hai anh chia sẻ khá nhiều về kinh nghiệm, kiến thức. Lúc đó, bản thân mình thấy kiến thức của mình thì đủ để giải quyết những công việc hiện tại, nhưng nếu muốn tiến xa hơn thì mình còn thiếu khá nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và kiến thức chuyên sâu trong chuyên ngành nên mình quyết định tìm cơ hội đi du học.
Minh Mẫn tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, chương trình tài năng UIT năm 2017
- Cơ hội ra Nhật Bản du học của anh đến như thế nào?
Thật ra lúc đó mình cũng ước mơ được tới Nhật một lần vì bản thân rất thích văn hóa Nhật. Hơn nữa, mình có bạn đã đi học ở trường Hosei trước đó, nên mình đã liên hệ tư vấn từ bạn đó. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố về lab, giáo sư, môi trường đào tạo ở Hosei, cơ hội việc làm cho sinh viên và cả tài chính nữa, mình đã quyết định sang Nhật du học.
Mình Mẫn chọn Nhật Bản để du học
- Quá trình xét học bổng anh gặp phải những khó khăn gì?
Về tài chính thì lúc trước khi quyết định nhập học thì mình phải thảo luận với giáo sư trước về học bổng, kinh phí mà mình nhận được từ việc làm nghiên cứu. Mình cũng phải chắc chắn rằng nguồn kinh phí mà mình nhận được đủ trang trải trong vòng 2 năm học master bao gồm cả chi trả học phí.
Ngoài ra, du học sinh ở trường còn có thể nhận được một số học bổng khi nhập học như JASSO, hoặc Daddy Long Legs cho sinh viên Việt Nam. Khả năng sinh viên nhận được học bổng đó rất cao, chỉ xét hồ sơ chứ không phỏng vấn nên mình cũng không gặp khó khăn gì nhiều.
Lúc mình xét thị thực thì khá đơn giản, mình chờ trường thông báo trúng tuyển rồi gửi COE (chứng nhận đủ tư cách lưu trú), sau đó lên đại sứ quán nộp rồi và chờ visa
Ngoài ra, mình còn gặp phải vấn đề bất đồng ngôn ngữ khi còn học tại Nhật. Mình cảm thấy ngôn ngữ là rào cản lớn nhất để hòa nhập và phát triển bản thân ở nước ngoài.
Cơ hội mới tại Mỹ
- Sau khi học tại Nhật, cơ hội nào giúp anh sang Mỹ làm việc?
Việc nghiên cứu, publish conference papers, journal paper trong khi học master, PhD giúp mình khá nhiều trong khi tìm kiếm cơ hội làm việc ở Mỹ. Ngoài ra, mình cũng phải ôn luyện thêm nhiều về phỏng vấn xin việc như coding interview, behavioral, … Để tìm kiếm cơ hội thì mình tìm các Opening jobs trên linkedIn, thấy vị trí nào, công ty nào hợp thì gửi CV rồi phỏng vấn. Nhờ đó mình đã tìm thấy công việc hiện tại này, bản thân mình khá hợp nghiên cứu nên quyết định đăng ký và làm việc đến hiện tại.
Hiện anh đang sống và làm việc tại Mỹ
- Anh có mất nhiều thời gian để quyết định sang Mỹ không?
Thật ra mình không tốn nhiều thời gian để quyết định sang Mỹ. Sau hơn 3 năm học ở Nhật thì mình dần nhận thấy bản thân có vẻ không hợp để phát triển lâu dài ở Nhật. Không phải là Nhật không tốt, mà do mình không phù hợp với phong cách làm việc ở Nhật. Hơn nữa, do hạn chế giao tiếp bằng tiếng Nhật nên cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của mình khá hạn hẹp. Ngoài ra, sau khi có cơ hội được trò chuyện và học hỏi từ một vài nhà nghiên cứu ở Mỹ thì mình thấy cơ hội phát triển bản thân nhiều hơn, phong cách làm việc phù hợp nên mình quyết định đi.
Minh Mẫn hoà nhập nhanh với cuộc sống tại Mỹ
- Môi trường học làm việc tại nước ngoài có khác gì khác biệt so với Việt Nam?
Mình thấy mỗi nước đều có môi trường học tập và làm việc khác nhau. Môi trường ở Nhật khác ở Việt Nam, ở Mỹ lại khác ở Nhật. Môi trường học tập và làm việc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ văn hoá. Chẳng hạn như việc đưa ra nhận xét, phản hồi ở Mỹ mọi người nói rất thẳng thắn, đôi khi lại làm những người mới nghe lần đầu cảm thấy khá buồn. Còn ở Nhật, khi họ đưa ra feedback về 1 công việc mà em làm chưa tốt thì sẽ đưa ra một lời khen trước, rồi một lời chỉ ra lỗi của mình xen kẽ nhau, làm mình cảm thấy dễ chịu hơn khi nghe nhưng cũng có lúc làm cho mình bị khó hiểu. Ngoài ra, việc xưng hô cũng khá khác biệt giữa các nước.
- Lời khuyên dành cho những bạn sinh viên có ý định sang nước ngoài học tập và làm việc
Mình thấy điểm yếu của mình và một số các bạn du học sinh khác là cực kỳ thiếu thông tin và định hướng lâu dài khi quyết định đi du học. Nếu cá nhân mỗi người cân nhắc và tìm hiểu nhiều hơn trước khi đi thì đã có nhiều cơ hội và trải nghiệm hoàn hảo hơn. Thí dụ, mỗi trường đều có chương trình đào tạo khác nhau, thông tin này được giới thiệu trên trang chủ của khoa, trường, trước khi đi mình có thể cân nhắc xem chương trình đó có phù hợp với mình không. Ngoài ra, học sau đại học, đặc biệt là PhD thì mình sẽ làm nghiên cứu rất nhiều, mình cũng nên tìm hiểu về giáo sư, phòng lab xem là hướng nghiên cứu đó có phù hợp với mình hay không.
Về tài chính cũng rất quan trọng, có nhiều trường chương trình đào tạo tốt, có chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Nhưng những thông tin đó thì không được phổ biến nhiều tới sinh viên mà mình phải tự tìm kiếm cơ hội cho riêng mình. Vì thế, mình khuyên các bạn nên tìm thật nhiều cơ hội rồi cân nhắc lựa chọn tốt nhất cho bản thân.
Thu Hoài