Đó là nhận định của ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM trong tọa đàm “Đối thoại giữa Đại học và Doanh nghiệp về Phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao” do ĐHQG-HCM phối hợp Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM đồng tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 27/8/2024.
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu khai mạc tọa đàm.
ĐHQG-HCM sẽ là đối tác chính của Hàn Quốc về lĩnh vực công nghệ cao
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, ĐHQG-HCM đã xác định 3 mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu gồm Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học và Trí tuệ nhân tạo.
Về đào tạo, chiến lược xác định đến năm 2030 sẽ đào tạo 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư; 10.000 kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học và một số nhóm ngành liên quan; 20.000 cử nhân, kỹ sư 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Đối với nghiên cứu, chiến lược xác định sẽ làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền trong các lĩnh vực về Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, và Trí tuệ nhân tạo. Hình thành một số doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.
Ông Quân cho biết, để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển này, ĐHQG-HCM luôn xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để gia tăng nguồn lực. Do đó, việc tổ chức tọa đàm thường niên này sẽ nhằm giúp doanh nghiệp và trường đại học gặp gỡ, trao đổi, thảo luận các vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực và đề ra các chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.
Tiếp lời PGS.TS Vũ Hải Quân, ông Shin Choong-il, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết ngành bán dẫn, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các hệ thống thông minh và các vấn đề thân thiện với hệ sinh thái sẽ trở thành những trụ cột trong ngành công nghiệp tương lai của thế giới. Và nguồn nhân lực chính là tài sản lớn nhất cho tương lai của chúng ta.
“Các sáng kiến của Việt Nam như kế hoạch đào tạo 15.000 kỹ sư trong ngành bán dẫn do Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố cũng như các kế hoạch phát triển các đại học hàng đầu được dẫn dắt bởi ĐHQG-HCM và ĐHQG Hà Nội, đó là những kế hoạch rất kịp thời để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và xu hướng phát triển trong tương lai”, ông Shin Choong-il nhấn mạnh. Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết thêm, tháng 6/2023, Tổng thống Hàn Quốc đã đến thăm Việt Nam và đưa ra thông điệp về sự hỗ trợ đầu tư vào các ngành công nghệ cao và nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam. Thông điệp này đã được củng cố trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc vào tháng 7 cùng năm.
Với sự cam kết hợp tác này giữa lãnh đạo của 2 quốc gia, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao với Hoa Kỳ, Nhật Bản và ĐHQG-HCM sẽ là đối tác chính của Hàn Quốc về lĩnh vực này trong những năm tới đây.
Rất tự hào khi hợp tác với ĐHQG-HCM
Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết tọa đàm là minh chứng cho sự thành công trong sự hợp tác với ĐHQG-HCM không chỉ về công nghệ mà còn nhân lực.
Chia sẻ quan điểm này, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết vào tháng 9/2023, khi đến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực cũng như hệ sinh thái về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, thông qua chương trình USAID mà Hoa Kỳ đang hợp tác với ĐHQG-HCM và các trường đại học khác của Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế mới.
“Chúng tôi rất tự hào khi hợp tác với ĐHQG-HCM khi phát triển chương trình giảng dạy liên quan các môn khoa học cơn bản STEM. Chương trình hôm nay chính là minh chứng cho sự thành công trong sự hợp tác của chúng ta không chỉ về công nghệ mà còn nhân lực. Nguồn nhân lực tương lai cần được chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của một hệ thống kinh tế toàn cầu ngày một phức tạp hơn”, bà Susan Burns khẳng định.
Theo ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa có cuộc họp giữa các bên hợp tác với Việt Nam để tập trung vào các chương trình nghị sự chính, bao gồm đầu tư cho nguồn nhân lực công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Cả Nhật Bản và Việt Nam đều nhận ra tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và đầu tư cho nguồn nhân lực, tầm quan trọng của khu vực tư nhân cũng như các định chế giáo dục bậc cao bao gồm các trường đại học.
Ông Ono Masuo đánh giá: “ĐHQG-HCM là nơi đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ cao cho tương lai của Việt Nam. Chúng tôi mong rằng thông qua tọa đàm có thể tạo ra nhiều sự trao đổi quốc tế hơn trong việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam, từ đó củng cố nguồn nhân lực cho chuỗi cung ứng của tất cả các bên”.
Tại tọa đàm, lãnh đạo Ngân hàng thế giới, các tập đoàn doanh nghiệp lớn của quốc tế như Samsung, Intel, Synopsys, Kaopiz Software JSC và Realtek đã chia sẻ các đánh giá về chất lượng nhân lực làm việc cho doanh nghiệp, mức độ đáp ứng (về kiến thức và kỹ năng) của nhân lực, khuyến nghị giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo các lĩnh vực công nghệ cao và nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đến 2030.
Tọa đàm còn tổ chức phiên thảo luận giữa các đại diện học thuật và doanh nghiệp gồm ĐHQG Hà Nội, Đại học Fulbright, Đại học bang Arizona, Đại học Kwangwoon, các tập đoàn Marvell Việt Nam, Faraday Technology Việt Nam, Becamex và Renesas Design Việt Nam. Phiên thảo luận do GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM điều hành.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai điều hành phiên thảo luận giữa đại diện lãnh đạo các đại học và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/dhqg-hcm-la-noi-dao-tao-nguon-nhan-luc-linh-vuc-cong-nghe-cao-cho-tuong-lai-cua-viet-nam/363137313364.html
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thông tin