Đội CEEC-UIT đã xuất sắc nhiều đội thi để giành vé tham dự trận chung kết thế giới xe tự hành tổ chức tại Romania vào tháng 5 - 2023. Đại diện Việt Nam còn có đội The Newbies (Trường đại học Bách khoa) và LH-CDC (Trường đại học Lạc Hồng).
Bosch Future Mobility Challenge 2023 (BFMC) là cuộc thi xe tự hành quốc tế dành cho sinh viên do Trung tâm kỹ thuật Bosch tại Romania tổ chức kể từ năm 2017. Hằng năm, cuộc thi mời các đội sinh viên từ khắp nơi trên thế giới phát triển các thuật toán kết nối và lái xe tự động trên các mô hình xe RC có tỉ lệ 1:10 do Bosch cung cấp, để điều khiển trong môi trường mô phỏng một thành phố thông minh thu nhỏ. Sinh viên làm việc trong dự án của họ với sự cộng tác của chuyên gia Bosch và các giảng viên tại các trường để phát triển thuật toán liên quan đến việc điều khiển ô tô tự hành, và đưa ra phương án cho ô tô tự vận hành ở bước tiếp theo.
Đội thi CEEC-UIT gồm 5 thành viên: Nguyễn Văn Tín (Đội trưởng), Đỗ Thanh Tùng, Chế Quang Huy, Lê Hữu Truyền, Lê Đại Quốc. Các thành viên đều đến từ câu lạc bộ lập trình nhúng CEEC - Khoa Kỹ thuật Máy tính, trường Đại học Công nghệ Thông tin. Toàn đội đã nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của ThS Phạm Minh Quân trong suốt quá trình thi để có được kết quả may mắn là 1 trong 3 đại diện của Việt Nam tham dự vòng chung kết tại Rumani (Romania).
Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các bạn thành viên trong đội thi CEEC-UIT về cuộc thi cũng như những vấn đề xoay quanh chúng
Đâu là động lực để các bạn tham gia cuộc thi xe tự hành quốc tế?
Mục tiêu chính khi tham gia cuộc thi là cả đôi mong muốn trải nghiệm bản thân, được thử thách và thi đấu với các thành viên đến từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hoá, nhiều nền giáo dục và khoa học công nghệ đa dạng trong môi trường quốc tế để đánh giá, kiểm tra lại năng lực, kiến thức của cả nhóm và bổ sung thêm những kiến thức mới.
Về cơ bản, cuộc thi UIT Car Racing và cuộc thi Bosch Future Mobility Challenge (BFMC) có nội dung gần tương đồng là phát triển giải thuật điều khiển xe tự hành. Do đó, khi nghe thông tin về cuộc thi, cả đội đã nhanh chóng đồng ý đăng ký tham gia để có cơ hội trải nghiệm.
Điểm đặc biệt nhất và thu hút nhất của cuộc thi đó là các đội thi cần phải có kiến thức tổng hợp cho toàn bộ hệ thống. Rất may mắn thì đây lại là điểm mạnh của các bạn sinh viên ngành Kỹ thuật Máy tính. Đến với cuộc thi, các đội thi phải nắm rõ từ việc thiết kế cơ khí, thiết kế mạch điện, thiết kế chương trình điều khiển tầng thấp (firmware) cho đến thiết kế các giải thuật tầng cao sử dụng AI, Deep Learning và điểm mấu chốt là phải triển khai được giải thuật trên Máy Tính Nhúng. Nhờ những kiến thức toàn diện từ các thành viên trong nhóm mà toàn đội đã dễ dàng thiết kế, cải tiến lại toàn bộ hệ thống để đạt được kết quả tốt như mong đợi.
Và mục tiêu bên lề chính là phần thưởng của cuộc thi và cơ hội nghề nghiệp mở rộng. Đến với vòng chung kết tại Rumani thì các thành viên sẽ có cơ hội tham quan, du lịch ở một địa điểm khá hấp dẫn thuộc bán đảo Ban-căng (Balkan) ở Châu Âu, đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị mà các thành viên trong đội đang rất háo hức.
Ý tưởng thuật toán nảy sinh từ đâu?
Các thành viên trong đội đều tham gia sinh hoạt, học tập tại CLB lập trình nhúng CEEC. Ngay từ khi bước chân vào UIT, chúng tôi đã được giới thiệu, tiếp cận với cuộc thi UIT Car Racing, các thành viên đã tích lũy được khá nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để có thể đưa ra những giải thuật ngày càng được cải tiến và tiếp cận với những công nghệ hiện đại.
Những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển thuật toán?
Khó khăn lớn nhất mà đội gặp phải đó là một chút thiếu thốn về trang thiết bị. Nhiều đội thi khác được trang bị những thiết bị rất mạnh và có độ chính xác, hiệu suất cao. Ngược lại, nhóm phải mượn cũng như tận dụng một số thiết bị hạn chế của các thầy cô trong Khoa để triển khai hệ thống và kiểm tra giải thuật. Bên cạnh đó, nhóm cũng không may mắn khi mà hiện tại một số thiết bị trên mô hình do ban tổ chức cung cấp đang gặp trục trặc nên nhóm vẫn còn đang cố gắng tìm giải pháp để xử lý.
Sự hỗ trợ của UIT dành cho đội thi?
Toàn đội xin gửi lời cảm ơn tới Khoa Kỹ thuật Máy tính và Trường ĐH Công nghệ Thông tin đã tạo ra cuộc thi UIT Car Racing giúp các thành viên có cơ hội làm quen với các công nghệ xe tự hành. Thông qua cuộc thi này, cả đội đã có được các kinh nghiệm trong việc xây dựng phần cứng, xây dựng môi trường thử nghiệm xe cùng với các giải thuật phần mềm điều khiển xe. Từ đó, đội có thể nhanh chóng tiếp cận các công nghệ kỹ thuật của cuộc thi BFMC.
Các bạn đã chuẩn bị gì cho trận chung kết sắp tới?
Toàn đội đang cố gắng cải tiến các thiết bị cảm biến gắn trên xe, xây dựng thêm một số giải thuật mới để nâng cao chất lượng và độ chính xác của xe. Bên cạnh đó, đội cũng đang gấp rút liên hệ với các nhà tài trợ để chuẩn bị các thủ tục để xin Visa nhập cảnh vào Rumani, địa điểm thi vòng chung kết. Ngoài ra, chắc các thành viên cũng sẽ phải chuẩn bị thêm một số trang phục, thuốc cảm và rèn luyện sức khỏe để có thể sẵn sàng trải nghiệm khí hậu của vùng đất lạ.
Đội bạn có kỳ vọng gì về trận chung kết sắp tới tại Romania?
Đến với vòng chung kết, toàn đội kỳ vọng có thể trình diễn được tối đa những kỹ thuật và kiến thức mà cả đội đã thu góp, tích lũy được trong suốt thời gian học tập tại Khoa Kỹ thuật Máy tính. Đặc biệt hơn nữa, đội cũng hy vọng rằng may mắn sẽ luôn đồng hành để đội CEEC_UIT có thể đạt được những thành tích tốt nhất trong cuộc thi.
Chúc các bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất tại cuộc thi xe tự hành do Bosch tổ chức
Như Ý - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin