Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Đừng chỉ là mọt sách

TT - Nguyễn Chí Hiếu (sinh năm 1984, tiến sĩ kinh tế ĐH Stanford, Mỹ) là một bạn trẻ không chỉ học giỏi (giải thưởng Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh 2004, Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới 2006) mà còn có cuộc sống khá thú vị.
  • Hiếu trong chuyến đi tới Ai Cập năm 2010 - Ảnh nhân vật cung cấp

Trong thời gian du học, Hiếu luôn sát cánh cùng nhiều hoạt động liên quan đến quê hương. Hiếu là đạo diễn, MC kiêm ban tổ chức các lễ hội văn hóa VN tại LSE (Học viện Kinh tế và chính trị London - Anh) cũng như một số ĐH khác ở Anh nhằm gây quỹ từ thiện cho VN. Nổi bật nhất là chương trình Good Morning Vietnam và đêm nhạc Trịnh Công Sơn.

Thường xuyên tham gia các buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm du học, săn học bổng với Hội đồng Anh, tổ chức Vietabroader, OVS... bên cạnh đóng góp học bổng khuyến học cho đàn em ở các trường cũ.

Trong những giờ dạy học ở Yola, Hiếu không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn lồng ghép kinh nghiệm học tập, làm việc hiệu quả cho học trò.

Bạn của chúng ta

Hiếu hoàn toàn không phải là “chàng mọt sách” như nhiều người vẫn nghĩ.

Đi

10 năm du học tại Anh và Mỹ, Hiếu luôn là “ẩn số” trong mắt bạn bè, thầy cô. Bởi đoạt nhiều giải thưởng học thuật danh giá nhưng anh chàng ít khi lên giảng đường và thường biến mất hẳn vào những kỳ nghỉ.

“Bàn làm việc của tôi ở ĐH Stanford bụi phủ đầy, do cứ ở trường nghiên cứu được ba tháng thì tôi lại lên đường” - Hiếu “bật mí”.

Một mình. Tắt điện thoại, balô gói gọn 12kg vắt vẻo trên lưng với laptop, máy chụp hình cùng vài ba bộ quần áo, hộ chiếu... Hiếu đi bất cứ lúc nào có thời gian.

Thay vì đăng ký tour và đi theo những lộ trình có sẵn, Hiếu đặt vé máy bay một chiều, tự lăn xả vào các vùng đất lạ để thỏa sức trải nghiệm con người, văn hóa. Từ chuyến du lịch bụi đầu tiên ở Hi Lạp vào tháng 2-2004, Hiếu đã du lịch như thế qua gần 20 quốc gia.

Những lần phải ngủ giữa sa mạc oi bức và không có điện, thiếu nước tắm ba ngày liền, bụng đau quặn hay bị đau chân... không trở thành khó khăn mà là thử thách thú vị với Hiếu.

“Thiếu thốn giúp tôi biết quý hơn những điều đơn giản mà ngày thường ít nhận ra. Quan trọng nhất là tôi có cơ hội học được những điều ngoài sách vở, soi rọi lại bản thân mình” - Hiếu nói.

Học ít nhưng hiệu quả

Sau mỗi giờ lên lớp, Hiếu lại mướt mồ hôi trên sàn tập với môn nghệ thuật múa đương đại. Hiếu say mê học piano vì thích bản nhạc của một bộ phim Hàn. Lúc hứng, Hiếu xách máy đi chụp ảnh dạo... “Tôi luôn muốn thỏa mãn những xúc cảm nội tâm. Huống hồ ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống” - Hiếu lý giải về cách sống ít nhiều “bản năng” của mình.

Hiếu tự nhận ít khi đến giảng đường. Theo Hiếu, việc chăm lên lớp là tốt nhưng bạn thấy bản thân sẽ đạt kết quả cao hơn nếu được tự mày mò, phân tích bài học thay vì lên lớp và tiếp thu thụ động.

“Tôi thường không phải là người thông minh nhất lớp, điểm kiểm tra IQ cũng chẳng quá nổi trội. Tôi nhớ nhanh nhưng lại chẳng nhớ lâu. Mỗi ngày tôi chỉ tập trung học được trong năm tiếng. Tôi học tốt vì tôi biết chính xác điểm mạnh, yếu của mình và từ đó đề ra kế hoạch làm việc phù hợp nhất” - Hiếu nói. Bạn khẳng định việc hiểu rõ bản thân là yếu tố rất quan trọng trong việc gầy dựng thành công.

Ngoài việc đi du lịch, xem phim, học múa đương đại... Hiếu vẫn còn thời gian rảnh rỗi. “Đó là lúc tôi đi chia sẻ những trải nghiệm bản thân cho những ai cần nó” - anh chàng nói về việc đi dạy ở ĐH Stanford. Không chỉ dạy về kiến thức học thuật, Hiếu còn lồng ghép vào bài giảng những điều liên quan đến... nấu ăn, lịch sử, nghệ thuật múa và những chuyến đi của mình.

Và Hiếu được nhà trường trao tặng giải Giảng viên xuất sắc trong cả sáu học kỳ!

“Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp đúng thời hạn!” - Hiếu cười vang, khiêm tốn nói về việc bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ về “chính sách ngoại tệ của các nước đang phát triển” vào hè 2012.

Trở về

Từ chối nhiều lời mời làm việc ở nước ngoài, Hiếu vừa quyết định về VN sau đúng 10 năm tha hương.

“Nếu ở lại Mỹ làm việc hay tiếp tục nghiên cứu, tôi nghĩ mình sẽ mường tượng được những thứ sẽ diễn ra trong khoảng thời gian năm năm tới. Trong khi về VN thì tương lai sẽ là một dấu hỏi lớn. Và tôi thấy dấu hỏi đó thú vị hơn” - Hiếu giải thích.

Học kinh tế nhưng chọn công việc làm giám đốc nhân sự Học viện Yola từ tháng 9-2012, Hiếu hài hước tóm tắt về cuộc sống hiện tại: “Ở trọ một mình, ngày ngày ăn cơm bụi, được trả tiền cho việc trò chuyện, lắng nghe để hiểu nhiều hơn về con người, cuộc đời”.

Giải thích về việc đứng lớp, Hiếu không giấu trăn trở: “Tôi nhận ra giới trẻ Việt dần có khuynh hướng chuộng giá trị vật chất và ít dám sống vì đam mê thật của bản thân, chai sạn với cuộc sống, hoài bão. Tôi mong những câu chuyện của mình ít nhiều thay đổi được điều này”.