PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã nói như vậy tại buổi tọa đàm công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.
PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Trần Huỳnh |
Ngày 27-8, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức tọa đàm công tác tuyển sinh ĐH, CĐ với sự tham gia của nhiều trường ĐH phía Nam.
Tại đây, PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TP.HCM đã thông tin nội dung cuộc họp hội đồng quốc gia giáo dục diễn ra tại Hà Nội ngày 26-7.
Theo đó, ông Bình cho biết trước mắt trong năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để đánh giá trình độ phổ thông. Sau đó, dựa vào kết quả của kỳ thi này, các trường ĐH sẽ công bố mức điểm xét tuyển. Việc đánh giá thang điểm, các trường tốp trên đòi hỏi thang điểm cao, tốp dưới sẽ thấp hơn.
Còn đối với tốt nghiệp THPT có chuẩn riêng. Mỗi trường ĐH có thể sẽ xét tuyển hoặc tổ chức thi thêm để tuyển chọn thí sinh có trình độ phù hợp yêu cầu của trường mình. Thậm chí các trường có thể tổ chức kiểm tra năng lực trước kỳ thi chung (giống như cách làm hiện nay của Trường ĐH FPT test IQ, ngoại ngữ…).
Thi tại địa phương và thi theo cụm
Bộ GD-ĐT đưa ra ba phương án: thi như cũ, thi tích hợp và tổng hợp. Hội đồng quốc gia giáo dục ủng hộ phương án 2. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Kỹ thuật thi, bộ vẫn ra đề thi tự luận vì hiện vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh bộ đề thi trắc nghiệm. Quan điểm chung là học sinh học gì thi nấy, kể cả môn tiếng Anh.
Chỉ còn kỳ thi “hai chung” Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, hầu hết các trường ĐH ủng hộ phương án một kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả để đánh giá tốt nghiệp THPT và đồng thời các trường ĐH dựa vào kết quả này để xét tuyển. Kỳ thi quốc gia sắp tới chỉ còn “hai chung”: tổ chức thi chung và đề thi chung. “Sau buổi tọa đàm này, ĐHQG TP.HCM sẽ tập hợp các ý kiến để kiến nghị với Bộ GD-ĐT. Riêng ĐHQG TP.HCM, nếu phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT tốt thì sẽ thực hiện theo bộ” - ông Nghĩa cho biết. |
Hiện Bộ GD-ĐT có chủ trương thi tại địa phương và thi theo cụm. Theo đó, nếu học sinh nào không muốn vào ĐH thì sẽ thi tại địa phương, còn các học sinh muốn vào ĐH phải tham gia thi cụm do các trường ĐH tổ chức (giống như kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay).
Việc tổ chức coi thi và chấm thi bố trí thành các cụm thi coi thi, chấm thi quốc gia đặt tại địa phương do các trường ĐH, CĐ chủ trì.
Đề thi gồm câu hỏi bốn trình độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao đánh giá phân hóa năng lực học sinh. Qua các năm sẽ tăng dần số câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao phù hợp với chất lượng giáo dục…
Về môn ngoại ngữ, những học sinh không được học hoặc trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc thi môn ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn tương ứng mỗi phương án. Hiện nay bộ đang tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới thi ngoại ngữ theo hướng đánh giá năng lực người học dựa trên bốn kỹ năng.
Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội cũng thông báo đã xây dựng xong phương án tuyển sinh riêng và sẵn sàng để tổ chức kỳ thi trong năm tới. Dự kiến ĐHQG Hà Nội sẽ phối hợp với một số trường tổ chức ngay trong năm 2015 theo hướng tổng hợp.
Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm khách quan gồm bốn học phần: toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Các học phần toán, ngữ văn mỗi học phần có 50 câu. Hai học phần tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mỗi học phần có 40 câu. Toàn bộ đề thi có 180 câu với thời gian làm bài 215 phút.
Ông Bình cũng cho biết hai tuyến thi trên sẽ được triển khai song song trong năm 2015. Chủ trương của Thủ tướng chính phủ và Bộ GD-ĐT đồng ý cho phép ĐHQG Hà Nội thực hiện phương án tuyển sinh này, nếu ĐHQG TP.HCM có đề án thi riêng cũng được thực hiện, thậm chí có thể tổ chức thi trước kỳ thi quốc gia. “Tuy nhiên tất cả những nội dung này còn đang là ý tưởng, phải đợi Chính phủ đưa ra kết luận cuối cùng” - ông Bình nhấn mạnh.
Cần xét kết quả học bạ phổ thông
PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), giáo dục cần sự ổn định, không xáo trộn trong khi ở VN liên tục thay đổi.
Theo ông Sen hiện nay nhiều nước coi trọng và tin cậy kỳ thi tuyển sinh ĐH của VN. Nên phải tính làm sao kỳ thi quốc gia sắp tới phải kế thừa được kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay để tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc. Điều khó nhất là khâu ra đề, làm sao phải đáp ứng được cả hai mục đích vừa đánh giá tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH. Vì thế chuyện này cần thử nghiệm trước khi triển khai đại trà.
Trong khi đó, nhiều người cũng băn khoăn nếu một kỳ thi quốc gia tổ chức theo khuynh hướng đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao thì dẫn đến tình trạng các trường ĐH sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Đồng thời cho rằng nếu muốn dùng một kỳ thi chung với hai mục đích thì chắc chắn phải mở rộng phương án thang điểm.
Theo TS Trần Ngọc Hội (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM), nếu học sinh thi xong kỳ thi quốc gia mới đăng ký vào các trường ĐH mà thang điểm như cũ thì không thể xét vào trường ĐH.
Ông Hội cho rằng Bộ GD-ĐT phải tổ chức một kỳ thi quốc gia nhưng phải nâng cao, được cải tiến về chất so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay để làm sao các trường có thể dựa vào kết quả đó để xét vào ĐH. Nếu có kiểm tra bổ sung thì cũng tổ chức nhẹ nhàng.
“Hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau, tốt nghiệp THPT muốn đậu nhiều nhưng thi ĐH thì hạn chế. Theo tôi, khi xét tốt nghiệp THPT cần xét thêm kết quả học tập học bạ trong suốt quá trình học. Hiện nay, học sinh học cả quá trình nhưng khi thi tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi này. Điều này chưa hợp lý. Nên kết hợp hai tiêu chí trên mới có thể đạt được hai mục đích của một kỳ thi quốc gia” - ông Hội đề xuất.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm qua đợt tuyển sinh riêng của nhà trường vừa qua. Đối với bốn ngành tuyển sinh riêng, điểm xét tuyển theo học bạ ba môn toán, lý, hóa hoặc toán, lý, tiếng Anh có ba ngành lấy 27 điểm. Sau khi thí sinh trúng tuyển, nhà trường có liên lạc với thí sinh thì được biết hầu hết các em này đều thi đậu ĐH.
“Chúng ta hiện không tin các trường THPT nhưng thực tế kết quả học tập trong học bạ phần nào phản ánh được năng lực học sinh. Năm tới đây, dự kiến ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ tuyển thẳng những học sinh trường chuyên có kết quả học tập 7 điểm trở lên, em nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng khỏi cần thi môn ngoại ngữ” - ông Dũng cho biết.
Về đề thi, TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH kinh tế TP.HCM cho biết nhà trường hướng về trắc nghiệm khách quan. Theo ông Hoàng lượng thí sinh thi ĐH rất lớn, với phương pháp thi trắc nghiệm khách quan sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhà trường có thể công bố kết quả thi sớm để thí sinh nếu không trúng tuyển có thể chọn thi vào trường khác.
Ông Hoàng nói: “Chúng tôi mong muốn kết hợp với các trường ĐH lớn để tuyển sinh theo yêu cầu của từng trường. Nếu trong trường hợp bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung các trường ĐH sẽ tham gia cụm thi. Còn nếu bộ phân cấp mạnh hơn nữa, theo tôi các nhóm trường liên quan với nhau có yêu cầu đầu vào tương tự thì nên kết hợp với nhau. Đặc biệt trong khâu ra đề chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐHQG TP.HCM”.
TS Trần Phú Vinh, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cũng cho biết theo đề án tuyển sinh trường này vừa xây dựng, dự kiến nhà trường sẽ thực hiện sơ tuyển theo kết quả học bạ THPT điểm trung bình của ba môn tham gia kỳ thi chung, trong đó có môn toán, sử và ngoại ngữ tính hệ số hai.
Ví dụ qua sơ tuyển học sinh phải đạt 26 điểm mới được dự tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia, thí sinh phải nộp kết quả đó vào Trường ĐH Luật TP.HCM để tham gia xét tuyển. Nhà trường lấy tỷ lệ 30% kết quả sơ tuyển và 70% kết quả kỳ thi quốc gia.
“Theo tính toán nhà trường chỉ sơ tuyển 4.000 hồ sơ và sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia chọn lại còn 1.500 thí sinh đúng theo chỉ tiêu của bộ giao” - ông Vinh chia sẻ.
Trích: tuoitre.vn