Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp năm 2008 để bước vào nhóm thu nhập trung bình và lúc này, công nghệ thông tin (CNTT) được coi là công cụ chủ đạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy năng suất cho nền kinh tế ở giai đoạn mới.
Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2012, Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất trong năm nhóm khi mới đáp ứng được các điều kiện cơ bản về Năng lực cạnh tranh (gồm 38 quốc gia đa phần là các nước kém và đang phát triển). Cụ thể, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% trong 4 chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô và y tế và giáo dục phổ thông. Trong khi đó, nhóm các nền kinh tế đứng đầu về năng lực cạnh tranh đều là những nước có sự nhận thức rõ ràng và coi CNTT-TT là nền tảng của sự phát triển nền kinh tế như Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Israel…
Không ai có thể phủ nhận CNTT, đặc biệt là công nghệ di động, đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và thay đổi cả thế giới.
Trước yêu cầu cần rút ngắn khoảng cách phát triển của Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã nhìn sang các nước trong khu vực để dự đoán những kịch bản có khả năng xảy ra với Việt Nam.
Kịch bản thứ nhất là của Hàn Quốc. Nước này đạt thu nhập 1.370 USD/đầu người năm 1969. 15 năm sau (1984), họ thoát bẫy thu nhập trung bình thấp (TNTBT - 3.811 USD). Năm 1990, Hàn Quốc tiếp tục vượt bẫy thu nhập trung bình (TNTB - 7.214 USD) và rồi chỉ 4 năm sau đã qua mức thu nhập trung bình khá (TNTBK - 10.699 USD). Nguyên nhân của sự tăng trưởng ấn tượng này là do Hàn Quốc đã đề cao cải cách giáo dục cũng như mọi mặt của kinh tế xã hội dựa vào nền tảng phát triển công nghiệp và công nghệ cao, trong đó CNTT đóng vai trò then chốt (cả phát triển phần cứng, phần mềm và hạ tầng quốc gia), tạo đà phá bẫy các mốc thu nhập sau thời gian rất ngắn.
Kịch bản thứ hai là Malaysia, cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á với Việt Nam. Nước này vượt mốc nghèo cùng năm 1969 với Hàn Quốc nhưng đã mất tới 19 năm mới thoát khỏi bẫy TNTBT (1988), vượt TNTB năm 1995 và vượt TNTBK sau 8 năm vào 2003. Malaysia đã có chủ trương phát triển CNTT rất sớm, nhưng luẩn quẩn trong bẫy TNTB suốt 26 năm vì ban đầu họ chỉ coi CNTT là một ngành thay vì là hạ tầng của hạ tầng, là nền tảng cho phương thức phát triển dựa trên khả năng kết nối các lĩnh vực khác. Mới đây, Malaysia tái định hướng CNTT với chương trình Digital Malaysia cùng nhiều kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa nước này thành nền kinh tế tiêu chuẩn OECD, theo chân sự trỗi dậy của Hàn Quốc, quốc gia từng là một trong những nơi nghèo nhất thế giới.
"Bẫy" xảy ra khi một nước mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định, mà không vượt qua được ngưỡng đó. (Theo Giáo sư Kenichi Ohno, Đại học Nghiên cứu Chính sách Nhật Bản). |
Kịch bản thứ ba là Philippines. Từng là nước phát triển nhất Đông Nam Á trong thập niên 70 của thế kỷ 20 nhưng họ mắc trong bẫy TNTBT đến 29 năm và phải tới năm 2011 mới vượt mốc 3.811 USD. Nước này có cái nhìn về CNTT là chỉ tập trung làm gia công và chưa có chiến lược quốc gia rõ nét về hạ tầng thông tin.
Việt Nam đã thoát bẫy thu nhập thấp được 5 năm và đây được coi là một trong số những thành tựu nổi bật của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn tồn tại nhiều "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển. Lúc này, câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ chọn kịch bản nào, giống như Hàn Quốc, Malaysia hay Phillipine để sớm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên hay đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… Lúc này, CNTT sẽ được nhìn nhận như là nền tảng cho phương thức phát triển mới giúp, là công cụ thúc đẩy sự đi lên của các ngành để đáp ứng những chỉ số cơ bản của năng lực cạnh tranh quốc gia như xây dựng chính phủ điện tử, quản lý tài chính điện tử, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, đô thị thông minh...
Từ năm 2012, Việt Nam đã có chủ trương coi CNTT không đơn thuần là một ngành kinh tế mà là nền tảng cho sự phát triển của mọi lĩnh vực, chi phối trực tiếp mọi hoạt động của con người. Việc ứng dụng CNTT hiệu quả trong từng ngành vì vậy đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình hiện đại hóa đất nước. Cũng vì thế, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT (Vietnam ICT Summit 2013) năm nay, diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội, không còn là sự kiện riêng của ngành công nghệ mà đã trở thành nơi hội tụ của các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực khác như như kinh tế, giao thông, giáo dục...
Chủ đề chính được bàn luận trong sự kiện là "CNTT - nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama là các khách mời đặc biệt tham dự Diễn đàn.
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cho hay: "Mục tiêu của ICT Summit 2013 là góp phần đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức sâu sắc hơn ở các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm xác định CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới, có tính tất yếu, hướng đến một xã hội tri thức, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững. Ứng dụng CNTT phải là yêu cầu bắt buộc trong mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư; trước mắt là trong cải cách hành chính, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị. Những yêu cầu này phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật. Đây là con đường ngắn nhất để các nước đi sau như Việt Nam có cơ hội đuổi kịp các quốc gia phát triển".