“Nếu mỗi ngày bạn cố gắng hơn một chút, hơn mọi người xung quanh một chút thì khả năng của bạn sẽ vượt bậc. Đừng phí thời gian vào những việc không có lợi ích. Bạn bỏ 5% công sức học hành sẽ nhận lại không chỉ 5% kiến thức mà là rất nhiều”- Trần Đình Nguyên, kỹ sư phần mềm cao cấp ở Google chia sẻ.
Được Google, Facebook “trải thảm”
Trần Đình Nguyên sinh năm 1982 ở TPHCM. Anh hiện đang là kỹ sư phần mềm của Google. Bất kỳ khi bạn bấm tìm kiếm email, ảnh, website,v.v, kết quả sẽ được trả lời bởi hệ thống mà nhóm Nguyên đang duy trì và phát triển. Đây cũng chính là sản phẩm chính, quan trọng nhất của tập đoàn công nghệ này.
Suốt buổi trò chuyện - Đình Nguyên luôn thân thiện, cởi mở và tỏ ra khiêm tốn: Con đường đến với Google khá bằng phẳng, nhiều may mắn....
Tốt nghiệp Trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM năm 2000, Đình Nguyên thi đỗ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Học được 1 học kỳ, chàng sinh viên được trường thông báo cuộc thi tuyển chọn ứng viên để nhận học bổng của ĐHQG Singapore (NUS).
Trần Đình Nguyên, sinh năm 1982 hiện nằm trong nhóm kỹ sư phụ trách sản phẩm chính, quan trọng nhất của Google. (Ảnh: NVCC) |
Đình Nguyên nhớ lại: “Khoảng thời gian năm 2000 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á, Singapore khi đó có mong muốn hút người tài trên thế giới. Với vai trò đầu tàu kinh tế trong khu vực ASEAN - Singapore đã quyết định có những suất học bổng đào tạo nhân lực cho các quốc gia trong khu vực. Mình may mắn được chọn vào NUS thông qua cuộc thi này.”
Tốt nghiệp chuyên ngành khoa học về máy tính tại ĐHQG Singapore với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, anh tiếp tục được nhận hồ sơ vào làm Tiến sĩ tại New York University.
Trong khoảng thời gian này, năm 2007 Đình Nguyên đã có thời gian thực tập tại Google, 2009 tại Viện nghiên cứu của Microsoft. Năm 2011 anh làm nghiên cứu khách mời (visiting researcher) tại ĐH UC Berkeley.
Giải thưởng lớn nhất mà Đình Nguyên từng nhận được là Google PhD Fellowship năm 2010. Mỗi năm Google chọn khoản 15 tiến sĩ có tiềm năng ở Mỹ để trao giải thưởng dựa vào thành quả nghiên cứu khoa học. nhận giải thưởng về hệ thống phân tán (distributed systems).
“Thời điểm đó, nghiên cứu của mình khá mới và thực tiễn nên được cả Google, Facebook ứng dụng” – Đình Nguyên cho biết.
Làm nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống phân tán, sau khi tốt nghiệp năm 2012, Đình Nguyên chỉ nộp hồ sơ vào Google và Facebook (2 công ty có những hệ thống phân tán lớn nhất thế giới), thay vì nộp hồ sơ khắp nơi như nhiều người khác.
Do đã biết và theo sát Đình Nguyên từ vài năm trước đó nên cả hai đơn vị này đều muốn có được anh. Theo Đình Nguyên: “Tại Mỹ, các doanh nghiệp và trường học có mối liên hệ chặt chẽ và thân thiện. Khi có ứng viên tốt nhà tuyển dụng sẽ sớm được thông tin để theo dõi và khi anh tốt nghiệp nếu ai chậm chân hơn người đó sẽ mất cơ hội có họ”.
Để không mất cơ hội có người tài, Google và Facebook đặt lịch phỏng vấn Nguyên trong cùng một tuần. Dù ban đầu có phần nghiêng về Facebook vì luận án tiến sĩ làm về mạng xã hội nhưng cuối cùng anh lại chọn Google bởi những đề nghị hấp dẫn cùng công việc thú vị.
“Tất nhiên nếu khi đó mình được biết sẽ làm việc trong nhóm kỹ sư chuyên trách hệ thống tìm kiếm của Google thì chắc chắn sẽ về đây ngay từ đầu”.
Thú vị và áp lực ở Google
Với 3,5 năm làm việc tại Google, Đình Nguyên nói anh cảm thấy hài lòng. Ngoài đãi ngộ cực tốt về lương bổng, môi trường ở tập đoàn có rất nhiều người giỏi để mỗi cá nhân học hỏi và tự phát triển. Google có nhiều sản phẩm và nhóm nghiên cứu từ software (phần mềm) đến hardware (phần cứng).
Kỹ sư có thể chuyển từ nhóm này sang nhóm khác để học cái mới mà không tốn nhiều thời gian để thích nghi như chuyển công ty.
Đình Nguyên chia sẻ: "Mỗi bạn trẻ nên cố gắng mỗi ngày một chút để hoàn thiện bản thân". (Ảnh: NVCC) |
Những hệ thống trong Google thường rất lớn, và dẫn đầu về công nghệ trên thế giới. Tìm cách phát triển những hệ thống này mạnh hơn, tốt hơn cho mình cảm giác đẩy được giới hạn của công nghệ thêm một nấc mới.
Một điểm hay nữa là những hệ thống này về cơ bản đã hoạt động tốt rồi. Điều đó cho phép các kỹ sư tập trung vào giải quyết những vấn đề khó và dài hạn thay vì phải chạy theo thêm bớt những tính năng nhỏ lẻ để thu hút người dùng như ở những công ty nhỏ.
Điểm hay này cũng có mặt trái của nó. Những hệ thống lớn trong Google thường được phát triển qua nhiều năm bởi những người rất giỏi. Ví dụ như Jeff Dean (được xem như là kỹ sư nổi tiếng nhất ở Google) cũng từng phát triển hệ thống tìm kiếm mà nhóm của Nguyên quản lý.
Tìm ra cách để hệ thống chạy nhanh hơn 1% cũng không phải đơn giản. Thường phải cần một ý tưởng tốt và rất nhiều thời gian để thí nghiêm và đo lường mới đạt được kết quả. Những người thích có kết quả nhanh chóng sẽ gặp khó khăn trong môi trường này.
Đối với những hệ thống có nhiều người dùng như hệ thống tìm kiếm. Thay đổi diễn ra chậm vì việc kiểm tra (testing) những thay đổi phải rất thận trọng. Không ai chấp nhận hệ thống tìm kiếm của Google bị sập vài phút! Đây cũng là trở ngại với những người thích nhiều thay đổi nhanh chóng.
Lời khuyên cho bạn trẻ
Khi được hỏi về lời khuyên cho các bạn trẻ ở Viêt Nam, Đình Nguyên chia sẻ: “Các bạn nên cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân.
Nếu các bạn bỏ ra thêm 5% thời gian mỗi ngày để làm việc, học tập thì về lâu dài bạn sẽ giỏi hơn rất nhiều lần thay chỉ 5%. Lý do là vì khi bạn đã giỏi hơn một ít ở ngày hôm nay thì bạn có thể hiểu sâu hơn, rộng hơn với cùng một thời gian học tập hoặc làm việc ở ngày hôm sau.
Cố gắng thêm 5% mỗi ngày để có được một bước tiến dài trong tương lai tưởng như là điều đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Những người nổi bật trong Google hoặc môi trường hàn lâm tôi từng làm việc đều là những người làm việc rất chăm chỉ.
Với các bạn học sinh sinh viên giỏi, các bạn có xu hướng tìm những vấn đề học búa để giải quyết. Cách các bạn thường làm là tham gia các kì thi học sinh giỏi. Điều đó cũng tốt nhưng các bạn cũng nên biết là có rất nhiều vấn đề vừa khó vừa thực tế.
Nếu các bạn bỏ thời gian vào những vấn đề thực tế thì tốt hơn. Các bạn có thể tham gia nghiên cứu khoa học. Các bạn có thể tìm cách làm cho những hệ thống mở được nhiều người dùng như Linux, Hadoop, Tensorflow vv, chạy nhanh hơn, ổn định hơn.
Có một bài báo khoa học ở một hội nghị chuyên ngành tốt hoặc tự hào là một trong những người phát triển chính của một hệ thống mở có giá trị hơn rất nhiều so với có giải ở một kì thi học sinh giỏi. Cơ hội để những công ty công nghệ lớn chào mời vì thế cũng lớn hơn rất nhiều khi bạn có thành quả.”
“Khi bạn đã được chuẩn bị tốt thì không phân biệt bạn ở trong hay ngoài nước, Google, Facebook hay bất kỳ tập đoàn nào bạn cũng được chào đón. Cơ hội luôn trong tầm tay nếu bạn chịu khó học hỏi” – Đình Nguyên chia sẻ.
Nguồn: vietnamnet.vn