Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Nên có chính sách tín dụng cho vay thương mại với sinh viên?

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất giúp những sinh viên khó khăn có thể vay để học tập và trang trải cuộc sống, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã có những kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện hơn chính sách cho sinh viên vay.

Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, bên cạnh việc điều chỉnh tăng mức cho vay nhằm đảm bảo SV có thể chi tiêu cho đời sống và đủ tiền nộp học phí thì giảm lãi suất cho vay cũng là yêu cầu cần thiết. Giảm mức lãi suất cho SV vay vốn hoặc áp dụng lãi suất ưu đãi trong thời gian đi học xuống còn 3-4%/ năm, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.

Ông Quân cũng cho biết theo quy định hiện tại SV có thời hạn vay tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Như vậy, nếu SV được vay lần đầu tiên ngay khi trúng tuyển ĐH và thời gian học 5 năm thì thời hạn vay tối đa chỉ 10 năm, tức SV phải trả nợ tối đa 5 năm sau khi ra trường. Thời hạn vay của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm). Do vậy, nên điều chỉnh thời gian vay 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay (ví dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học 7 năm tối đa là 21 năm).

Trong số các đề xuất, ông Quân đặc biệt nhấn mạnh đến việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng SV. Bởi theo quy định được ban hành từ năm 2007 áp dụng đến nay, đối tượng được vay khá hạn chế, áp dụng cho những SV có hoàn cảnh khó khăn theo quy định. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho SV. Chẳng hạn có chính sách để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp dịch vụ cho SV vay, thay vì chỉ thông qua Ngân hàng Chính sách như hiện nay, để đa dạng các gói vay và SV dễ tiếp cận hơn.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/vnuhcm.info/posts/pfbid0fRW1rhEFgCDtJPSaz7PjGNzk43RbY9Cf1gR9voww2fsAsnwiaJQw5iSpVohUYytBl

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin