Trái hẳn với lo ngại của nhiều thí sinh là ngành công nghệ thông tin khó xin việc nên ít nộp đơn vào học trong các năm vừa qua, những số liệu gần đây cho thấy ngành này đang quay trở lại chu kỳ tăng trưởng khá tốt và cần nhiều nhân lực.
Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tuy những năm gần đây chỉ tiêu tuyển ngành này không giảm nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi có giảm đi. Điểm chuẩn của ngành này cũng không còn cao như thời cực thịnh cách đây 6-7 năm nữa. Lý do để các em ngần ngại học ngành này có khá nhiều, nhưng chính yếu là tìm việc khó hơn.
Tuy nhiên, trái với lựa chọn của thí sinh, những số liệu gần đây cho thấy ngành này đang trở lại chu kỳ cần một lượng nhân lực lớn. Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, mặc dù 2 năm vừa qua kinh tế khó khăn nhưng các lĩnh vực trong ngành này đều có tăng trưởng dương: phần cứng (110%), phần mềm (10%), nội dung số (25%). Trong số 22 doanh nghiệp ngành này được thống kê đều có tăng trưởng, thấp nhất là 2% và cao nhất là 63%. Mức lương trung bình là 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Trong khi đó, số lượng nhân lực các trường cung cấp cho ngành này hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 75% so với nhu cầu. Như vậy, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ quan vẫn còn rất lớn so với khả năng đào tạo của các trường. Theo ông Tuấn, trong 3 đến 5 năm tới nếu nguồn nhân lực không đáp ứng đủ sẽ dẫn tới tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực ngành này.
Theo một thống kê khác của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội TP.HCM, dự đoán ngành này là một trong 10 ngành nghề có tỷ lệ cầu nhân lực cao nhất trong giai đoạn 2013 - 2015, chiếm tỷ lệ 6 - 8% tổng nhu cầu nhân lực hằng năm của TP.HCM. Cụ thể hơn, theo bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc trung tâm này, trong tổng số 280.000 - 300.000 chỗ làm việc cần cho TP.HCM gồm các ngành nghề, thì công nghệ thông tin chiếm khoảng 7,75% (23.000 - 25.000 người). Trong đó, trình độ ĐH chiếm 57,33%, CĐ chiếm 25,16%, trung cấp chiếm 10,63%, kỹ thuật viên sơ cấp chiếm 6,88%. Thêm vào đó là 10.000 chuyên viên cho khu vực trọng điểm kinh tế phía nam.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2011 - 2020, thành phố cân đối đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp, trong đó có ngành điện tử và công nghệ thông tin.
Nguồn: www.thanhnien.com.vn