Qua 20 năm hình thành, hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập VN vẫn trầy trật tìm đường đi. Không những thiếu cơ hội phát triển mà loại hình trường này còn gây nên một bức tranh xô lệch, lộn xộn. Các bài phân tích trên BáoThanh Niên trong hơn một tuần qua về thực trạng ĐH tư chứng tỏ chính sự thiếu minh bạch, không cương quyết, chưa rõ ràng trong luật, quy định, chính sách hoặc việc cố tình hiểu sai văn bản là lực cản lớn nhất để các trường phát triển.
Nghị quyết năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH VN giai đoạn 2006 - 2020 có đặt mục tiêu đến năm 2010 đạt 40% sinh viên các trường ngoài công lập. Thế nhưng đến nay sinh viên hệ thống này chỉ chiếm 14,4% tổng số sinh viên cả nước. Số trường ĐH, CĐ ngoài công lập chiếm khoảng 22,2% tổng số trường ĐH, CĐ trong toàn quốc. Những con số này là quá thấp so với mục tiêu đặt ra và cũng quá ít ỏi so với các nước lân cận.
Chính sự nhập nhằng, không rõ ràng của các luật định, chính sách càng khiến hệ thống trường ngoài công lập ngập trong mớ hỗn độn không lối ra. Chưa kể, đây còn là cơ hội để nhiều người lợi dụng biến giáo dục trở thành thị trường kinh doanh.
Do ngập ngừng, không dứt khoát giữa mô hình vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận mà nhiều trường lợi dụng kẽ hở này để hoạt động kiếm lợi nhưng mang danh nghĩa không vụ lợi khiến người học mất niềm tin. Ngược lại, gây khó khăn cho những trường thật sự muốn đi theo đường hướng không vì lợi nhuận. Phát triển ĐH tư là xu thế chung và rất nhiều nước tiên tiến đã đi trước chúng ta. Ở châu Âu, đa phần các trường tư đều không vụ lợi. Phần lớn các trường ĐH tư thục ở Hàn Quốc, Thái Lan cũng hoạt động không vì lợi nhuận. Mỹ thì phân biệt rạch ròi trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận nhưng thực tế cho thấy phần lớn những ĐH tinh hoa, nổi tiếng đều theo đường hướng bất vụ lợi.
Thực tế này đòi hỏi nhà nước cần phải dứt khoát tạo đường đi phù hợp cho các trường. Nếu đã có chính sách ưu đãi cho những trường theo mô hình không vì lợi nhuận để họ có cơ hội phát triển thuận lợi thì cũng cần những quy định ràng buộc với các trường vì lợi nhuận. Tránh tình trạng nhập nhằng như hiện nay.
Phải xem xét lại các quy định, quy chế xem hoạt động của trường tư thục như một công ty cổ phần, đơn vị kinh doanh, người càng có nhiều tiền càng nắm quyền chi phối đường hướng phát triển của trường. Vì hoạt động như doanh nghiệp nên đã nảy sinh tình trạng mua bán, chuyển đổi, tranh giành quyền lợi ở các trường. Chính sách này gây ra nhiều nguy cơ đổ vỡ, mất ổn định, mâu thuẫn triền miên ở trường tư. Vả lại, ĐH là môi trường học thuật, là nơi đào tạo, khai sáng nên càng không thể phù hợp để kinh doanh.
Ông Thomas J.Vallely, nhà sáng lập Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard, Chủ tịch Quỹ tín thác đổi mới ĐH VN, người nhận giải vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục của Quỹ Phan Châu Trinh năm nay, trong bài diễn từ đã cho rằng niềm tin cho mình là ngoại lệ là một mối nguy hiểm thường trực. Ông viết: “Lĩnh vực thứ hai mà chúng ta phải cảnh giác với ngoại lệ là quản trị ĐH. Bất kỳ một nền giáo dục ĐH có chất lượng nào đều có một số đặc điểm có tính phổ quát, vượt ra khỏi bối cảnh địa phương. Những trường ĐH xuất sắc nhất trên thế giới có chung một số thuộc tính cơ bản, trong đó bao gồm tự do học thuật, trọng dụng nhân tài, và minh bạch. Nỗ lực cải thiện giáo dục ĐH mà bỏ qua những phẩm chất vô hình này thường không bao giờ đem lại kết quả mong muốn”.
Đường đi đã có sẵn, sao lại cố tình nghĩ khác, làm sai để xã hội đặt câu hỏi sao người ta làm được còn mình lại không về một mô hình không mới?
Trích: thanhnien.com.vn