Nhờ theo dõi thông tin trên trang Forum của Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG-HCM, bạn Nguyễn Lê Phương Thy (sinh viên năm hai ngành Hệ thống thông tin, Trường ĐH Công nghệ Thông tin) đã tìm được cơ hội du học ngắn hạn tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Đối với Phương Thy, 14 ngày học tập như du học sinh này là 14 ngày đáng nhớ nhất của mùa hè năm nay.
Phương Thy (giữa) cùng bạn bè Việt Nam mặc áo dài trong đêm giao lưu văn hóa “Cultural Night” - Ảnh: NVCC.
Chương trình học của công dân toàn cầu
Chương trình mà Nguyễn Lê Phương Thy tham gia là The Asian Undergraduate Symposium (AUS). Mục tiêu của chương trình là giúp sinh viên châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng hiểu và tham gia giải quyết những thách thức trong khu vực thông qua trao đổi văn hóa, mở rộng mạng lưới quan hệ và ứng dụng các giải pháp liên ngành. Năm 2024, AUS được đồng tổ chức bởi NUS College và NUS Global Relations Office (GRO) với tên gọi NUS-AUN Summer Programme 2024.
Khi được hỏi về lý do tham gia chương trình, Phương Thy cho biết bạn nộp đơn đăng ký để có cơ hội được trải nghiệm học tập ở NUS - ngôi trường từ lâu bạn ấp ủ trong mơ. Bên cạnh đó, chủ đề “Interconnected Communities” của chương trình năm nay cũng khiến bạn tự hỏi: “Tại sao lại phải “liên kết các cộng đồng” khi mà “cộng đồng” được tạo nên bởi các cá thể liên kết với nhau?”. Chính điều này đã thôi thúc Phương Thy tự mình đi tìm câu trả lời.
Trong 14 ngày ở Singapore, Phương Thy đã được học hỏi với các giáo sư, diễn giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực, được thảo luận với bạn bè quốc tế như một công dân toàn cầu thế hệ mới. Các chủ đề mà Phương Thy bàn luận là các chủ đề liên quan đến những vấn đề nổi cộm của thế giới hiện đại như Needs and Wants (nhu cầu và mong muốn trong xã hội), Climate Change and Sustainability (biến đổi khí hậu và giải pháp bền vững chống biến đổi khí hậu), Diversity and Inclusion (giáo dục đa dạng và hội nhập). Những buổi học này không chỉ mở mang kiến thức cho Phương Thy, mà còn truyền cảm hứng để cô bạn khao khát chung tay thay đổi, đối diện với các thách thức của thời đại mới. Đến khi thực hiện bài thu hoạch, Phương Thy vẫn còn ấn tượng với lời bài hát Imagine (John Lennon) mà cô bạn đã cùng hát với các sinh viên quốc tế vào tiết học cuối cùng ở hội trường.
Bên cạnh việc học ở giảng đường, Phương Thy còn được tham quan, học hỏi ở những địa điểm nổi tiếng ngoài thực tế, nhất là nơi có giải pháp đột phá cho vấn đề dân số già. Chẳng hạn tổ chức SG Assist chuyên hỗ trợ caregiver (người chăm sóc cho các cụ già) với các dịch vụ, công cụ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như công nghệ lão khoa; hay Khu dân cư YiShun đánh dấu những khu vực khác nhau bằng những màu sắc khác nhau để những người già bị mất trí nhớ có thể tìm được. Ngoài ra, Phương Thy còn được học về cách người dân Singapore tận dụng tối đa nguồn nước để sử dụng ở công trình thủy lợi Marina Barrage - kỳ quan nhân tạo của Singapore và được học về cách kiến trúc ảnh hưởng đến cảm xúc con người ở Khu dân cư Toa Payoh.
“Mình rất khâm phục Chính phủ cũng như người dân Singapore vì họ rất quyết tâm, nghiêm túc và đồng lòng để cùng nhau xây dựng nên đất nước Singapore văn minh, hiện đại như bây giờ” - Phương Thy cảm thán.
Chuyến đi của yêu thương
Những ngày đầu đặt chân đến Singapore, Phương Thy được trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc của du học sinh mới đến xứ lạ. Nào là chạy hụt hơi vì sợ trễ xe buýt, xuống nhầm ga tàu điện ngầm, sợ đồ ăn không hợp khẩu vị, sợ ý tưởng thuyết trình của mình không hay… Nhưng nhờ có các anh chị trong đoàn ĐHQG-HCM luôn tận tình hướng dẫn và các bạn động viên giúp đỡ, Phương Thy đã dùng tâm thế “cởi mở để học hỏi và chia sẻ kiến thức” để vượt qua những nỗi sợ đó. Ngoài ra, vì ẩm thực Singapore có sự giao thoa với nhiều nền ẩm thực khác, khá dễ tiếp nhận nên Phương Thy cũng không còn lo ngại chuyện ăn uống nữa.
Chương trình AUS đã giúp Phương Thy kết nối với hơn 300 đại biểu từ nhiều quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Sống trong môi trường đa văn hóa nhưng Phương Thy không hề cảm thấy lạc lõng, ngược lại, Phương Thy thường xuyên được thưởng thức ẩm thực, được nghe “Do you need any help?” (Bạn có cần mình giúp gì không?) và được cầm trên tay những món quà lưu niệm mang đậm dấu ấn của từng quốc gia. Dường như những con người không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng sắc tộc ấy luôn sẵn sàng săn sóc, tâm sự, lắng nghe những câu chuyện từ những góc nhìn văn hóa hoàn toàn khác mình.
“Bắt đầu là những người lạ đến từ những đất nước, những nền văn hóa khác nhau, nhưng ngày chia tay lại rơi nước mắt không ngừng. Mình biết, giữa chúng mình không còn là “người quen”, mà là tình bạn, là sự liên kết, là dấu hiệu cho thấy các cộng đồng đã được nối kết (Interconnected Communities)” - Phương Thy chia sẻ.
Các sinh viên quốc tế của chương trình AUS cùng nhau “check-in” ngày học thứ hai - Ảnh: NVCC.
Phương Thy cũng tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Cô bạn đã dạy các bạn quốc tế nói “xin chào”, “cảm ơn”, kể các bạn nghe về nếp sống sinh hoạt của người Việt, rủ các bạn hát Nối vòng tay lớn, See Tình, Việt Nam Ơi… và mời các bạn thưởng thức mít sấy, xoài sấy, mì tôm, cà phê của Việt Nam. Đoàn Việt Nam ta còn cùng nhau đàn hát Hello Việt Nam cùng với quốc kỳ ở sảnh chờ, chuẩn bị áo dài để mặc trong đêm giao lưu văn hóa “Cultural Night” nữa.
Một trong những điều tự hào nhất của Phương Thy trong chuyến đi AUS lần này là khi dự án cuối khóa GreatPlate của nhóm bạn vinh dự được chọn để thuyết trình trước các vị khách quý của AUS. Đây là một thành tựu không nhỏ khi có đến 38 nhóm tham gia, nhưng chỉ có 3 nhóm được chọn để trình bày sản phẩm trong buổi Formal Lunch ở ngày cuối cùng của chương trình. Phương Thy cũng rất mong được đưa GreatPlate - một dự án nhằm kết nối những nhà hàng buffet và những người có nhu cầu - về Việt Nam để giảm thiểu tình trạng lãng phí lương thực tại các nhà hàng buffet.
Trở về từ chuyến du học 14 ngày ở Singapore, Phương Thy đã gặt hái được nhiều tri thức, nhiều trải nghiệm và nhiều mối quan hệ mới. Cô bạn nhắn nhủ: “Tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế là một cơ hội tuyệt vời để các bạn mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức và kỹ năng mềm, cũng như tạo dựng những mối quan hệ quý báu cùng các bạn bè trên khắp thế giới. Đừng ngại ngần bước ra khỏi vùng an toàn của mình để trải nghiệm những điều mới mẻ, khám phá những nền văn hóa mới và học hỏi từ những người bạn quốc tế”.
Quỳnh Lam - Cộng tác viên truyền thông Trường Đại học Công nghệ và Thông tin