Ngày 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đến làm việc với ĐHQG-HCM và dự Lễ Khai khóa năm 2023. Tại Lễ Khai khóa, với tư cách là khách mời diễn giả, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài thuyết trình trước gần 1.000 giảng viên, sinh viên, học sinh về giáo dục đại học trong tình hình mới và những nhiệm vụ của ĐHQG-HCM để hướng tới mục tiêu “đứng vào tốp 100 đại học hàng đầu châu Á”. Bản tin ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu bạn đọc phần lược trích bài thuyết trình quan trọng này của Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ Khai khóa năm 2023.
Tôi rất vui mừng tới dự Lễ Khai khóa của ĐHQG-HCM năm 2023 với chủ đề rất ý nghĩa và thực tiễn là “Giáo dục đại học và vai trò kiến tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới”.
Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới các thế hệ lãnh đạo, tập thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, người lao động cùng toàn thể học sinh, sinh viên ĐHQG-HCM lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Hướng tới việc đào tạo những công dân toàn cầu
Chúng ta đang xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với ba trụ cột chính là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt ba trụ cột này là con người. Con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển. Giáo dục đại học góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số, giáo dục đại học đang thay đổi và phát triển đa dạng. Đặc biệt, công nghệ thông tin, bao gồm trí tuệ nhân nhân tạo, thực tế ảo, trực tuyến hóa được tích hợp vào quá trình dạy và học, tạo môi trường tương tác, hấp dẫn hơn, phát triển tư duy sáng tạo, tăng khả năng làm việc độc lập của người học. Hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế số là yêu cầu khách quan, trở thành lựa chọn chiến lược ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia. Kinh tế số kết hợp với chuyển đổi xanh như là một cặp song sinh. Nếu chuyển đổi số tốt thì sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh. Ngược lại, chuyển đổi xanh tốt thì sẽ thúc đẩy chuyển đổi số.
Xu hướng hợp tác toàn cầu, học tập xuyên quốc gia và cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cũng đang được mở rộng. Hợp tác giữa các trường đại học trên toàn thế giới được đẩy mạnh, tạo ra môi trường học tập đa văn hóa và cung cấp cơ hội cho sinh viên tham gia học tập và nghiên cứu ở nhiều không gian khác nhau. Chúng ta bây giờ sống trong một thế giới phẳng. Nhưng bên cạnh những thuận lợi và thời cơ thì “thế giới phẳng” cũng sinh ra những khó khăn và thách thức cho giáo dục đại học. Giáo dục đại học ngày càng đòi hỏi cao về cách thức truyền đạt kiến thức để phát triển tư duy sáng tạo và tư duy phản biện, nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề của người học, tạo lập môi trường tương tác tích cực trong quá trình giảng dạy, học tập. Giáo dục đại học phải hướng tới việc đào tạo những công dân toàn cầu. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển đội ngũ lao động mang tầm quốc gia nhưng trong thời kỳ hội nhập hiện nay chúng ta phải đào tạo và phát triển lực lượng lao động ở tầm quốc tế.
ĐHQG-HCM đạt được những kết quả rất đáng tự hào
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Với quan điểm lấy giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã công nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, có việc cải thiện chương trình học, nâng cao năng lực giảng dạy, tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên học tập và nghiên cứu.
Trong bối cảnh đó, tôi rất vui mừng được biết sau 28 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐHQG-HCM đã trở thành một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của đất nước. Hầu hết lĩnh vực quan trọng đều hiện diện ở ĐHQG-HCM, như kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp… Đặc biệt, ĐHQG-HCM đã chú trọng mở phân hiệu ở các địa phương. Tôi thấy mô hình này rất hay vì nó tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho con em ở các địa phương được học đại học gần gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
So với các trường đại học mấy trăm năm thì ĐHQG-HCM còn rất trẻ. Chỉ 28 năm mà ĐHQG-HCM đạt được những kết quả rất đáng tự hào về quy mô, uy tín, nhất là về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm nay, ĐHQG-HCM thuộc tốp 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới với 5/9 ngành học đứng đầu Việt Nam, gồm kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật điện và điện tử, kỹ thuật hóa học, khoa học môi trường và hóa học. Tất nhiên, chúng ta còn phải phấn đấu hơn nữa ở một số ngành về xã hội nhân văn. Chúng ta phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tôi đề nghị ĐHQG-HCM nên tổng kết những thành tựu của mình rồi phổ biến cho mọi người - đặc biệt là các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên - để bất kỳ ai đến học tập, nghiên cứu ở đây cũng có niềm tự hào. Và khi người ta có niềm tự hào thì người ta mới có động lực, cảm xúc, cảm hứng để học tập, nghiên cứu.
Phấn đấu để đứng trong top 100 đại học hàng đầu châu Á
Thủ tướng Chính phủ trồng cây lưu niệm tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.
Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường. Hậu quả đại dịch COVID-19 kéo dài, xung đột quân sự, các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bệnh tật, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…, được nhắc đến rất nhiều tại các diễn đàn kinh tế thế giới. Nói chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Mục tiêu rất lớn của nước ta là phát triển nhanh và bền vững. Mà muốn phát triển nhanh và bền vững, chúng ta phải chú trọng không chỉ vấn đề kinh tế mà còn vấn đề con người, về vấn đề môi trường, vấn đề an sinh xã hội và sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học.
Giáo dục đại học không những đáp ứng yêu cầu của hiện tại mà còn phải đáp ứng yêu cầu của tương lai. Như vậy phải phát triển giáo dục theo chiều sâu, đào tạo theo chiều sâu, chứ không chỉ giáo dục, đào tạo theo chiều rộng. Các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có ĐHQG-HCM, phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tôi đánh giá cao ĐHQG-HCM đã nhanh chóng xây dựng đề án phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. ĐHQG-HCM cần sớm hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, ĐHQG-HCM phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, để đứng trong tốp 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo động lực, tăng trưởng nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Tôi xin lưu ý thêm một số nội dung mà ĐHQG-HCM cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất là đẩy mạnh việc tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi để đào tạo sinh viên, học viên tài năng ở tất cả ngành khoa học, nhất là các ngành khoa học cơ bản. Trong đó, phải có sự hài hòa giữa khoa học cơ bản về tự nhiên và khoa học cơ bản về xã hội, nhân văn.
Thứ hai là chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành. Đó là những người giỏi chuyên môn, đam mê nghiên cứu khoa học, đóng vai trò chính yếu để làm nên một đại học danh tiếng.
Thứ ba là tập trung xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề xã hội nhân văn nổi bật ở trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Thứ tư là phát triển nguồn lực tài chính bền vững, xây dựng Khu Đô thị ĐHQG-HCM xanh, hiện đại và bản sắc.
Tin tưởng vào sự đam mê, khát vọng của tuổi trẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp hình lưu niệm cùng tân sinh viên ĐHQG-HCM.
Đến dự Lễ Khai khóa hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên một số suy nghĩ của mình.
Trước hết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các bạn học tập, rèn luyện, nghiên cứu, sáng tạo; trang bị cho các bạn hành trang đầy đủ nhất để bước vào đời, để trở thành những công dân toàn cầu. Đảng, Nhà nước, nhà trường đầu tư, chuẩn bị cho các bạn là đầu tư, chuẩn bị cho đất nước. Các bạn là chủ nhân tương lai của đất nước.
Để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, trở thành những công dân toàn cầu, các bạn cần có khát vọng và nhiệt huyết cống hiến, phát huy mạnh mẽ truyền thống tiên phong trong học tập, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Chính các bạn sẽ là thế hệ tiếp nối, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước, mang lại sự phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.
Các bạn cần chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi sáng tạo, nâng cao năng lực cá nhân. Tôi muốn nhấn mạnh đến tính tích cực và chủ động của mỗi cá nhân chúng ta. Tuổi trẻ phải có lý tưởng, hoài bão, ước mơ; phải dấn thân, trải nghiệm và cống hiến. Các bạn cần tích cực tham gia hoạt động xã hội và tình nguyện, tham gia các dự án và chương trình liên quan đến sự phát triển của cộng đồng, nhất là giúp đỡ những người yếu thế, trẻ em mồ côi, những người tàn tật.
Gắn với tinh thần tích cực sáng tạo và cống hiến, các bạn nên rèn giũa tư duy phản biện bằng cách tham gia các dự án, cuộc thi liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm và có thế mạnh. Qua đó, các bạn sẽ mạnh dạn lên, tự tin hơn để tham gia các hội nghị, hội thảo ở trong nước và quốc tế, nâng cao kỹ năng tranh luận, phản biện.
Ngoài ra, các bạn cũng nên chủ động tham gia các chương trình, sự kiện khởi nghiệp để học hỏi từ những người thành công, rồi thực hành khởi nghiệp trong cộng đồng của mình, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Vừa qua, tôi có dự mấy sự kiện khởi nghiệp của các trường đại học. Tôi thấy các bạn trẻ rất giàu ý tưởng và hăng hái khởi nghiệp, thậm chí ngay từ bậc trung học phổ thông.
Tôi tin tưởng rằng sự đam mê, ước mơ, hoài bão, khát vọng tuổi trẻ của các bạn sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và thành hiện thực.
Chúc ĐHQG-HCM luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và tiếp tục có bước phát triển mới mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
(*) Tít và các trung đề do BBT đặt.
Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/phai-phat-trien-giao-duc-dao-tao-theo-chieu-sau-/353638363364.html
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin