Ông Bertrand Pailhès, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Công nghiệp và kỹ thuật số Pháp Sáng 28/11 đã khẳng định quan điểm này với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong cuộc hội đàm sáng 28/11 tại Paris.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cùng đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông hội đàm với Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số Pháp.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định quan hệ đối tác Việt Nam và Pháp đã và đang phát triển trên mọi lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT đang góp phần làm sâu sắc mối quan hệ này cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển của mỗi nước.
Pháp hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Hầu hết các thương hiệu lớn như Alcatel, France Telecom... đã có mặt và thành công tại Việt Nam.
Bộ trưởng thông báo tình hình lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT tới ông Quốc vụ khanh. Bưu chính VN đã phủ rộng trên 63 tỉnh thành cả nước với 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng. Doanh thu dịch vụ Bưu chính đạt hơn 700 triệu USD.
Ba mạng di động lớn tại Việt Nam là VinaPhone, MobiFone, Viettel hiện đã phủ sóng 95% diện tích lãnh thổ. Số lượng thuê bao di động đạt khoảng 131 triệu thuê bao.
Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 40 tỷ USD, đóng góp 25% GDP Việt Nam.
Hiện tại Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng Facebook hoạt động, đồng nghĩa với việc hơn 1/2 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook.
Việt Nam đang xây dựng xã hội công dân điện tử, chính phủ điện tử, xây dựng các thế hệ ứng dụng thông minh như thành phố thông minh (Smart City), giao thông thông minh... tiến tới xã hội thông minh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các công ty quốc gia quốc tế vào các chương trình đề án trong lĩnh vực này và mong muốn Chính phủ Pháp chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách và triển khai các đề án chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn an ninh thông tin, đồng thời xem xét khả năng tài trợ và cung cấp tài chính (ODA) của Chính phủ Pháp cho việc thực hiện các đề án, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử và an an ninh thông tin.
Ông Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Công nghiệp và kỹ thuật số Pháp đáp lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, khẳng định Pháp luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật và CNTT.
Các công ty lớn của Pháp đều đang có mặt tại Việt Nam. Chính phủ Pháp ủng hộ DN đầu tư tại VN và DN Việt Nam đầu tư tại Pháp. DN CNTT và công nghệ số của Pháp đã có sự đầu tư rất sớm tại Việt Nam, hiện họ hài lòng với kết quả tại Việt Nam và mong muốn mở rộng đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp đang đề xuất thành lập liên minh DN Việt Pháp, giúp tăng cường mối quan hệ giữa DN và chính phủ hai nước.
Ông Quốc vụ khanh cũng mong muốn có thêm các gương mặt doanh nghiệp mới của Pháp trong lĩnh vực ứng dụng CNTT thành phố thông minh, an toàn thông tin tại Việt Nam.
Erisson sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực khó
Trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông tối 27/11, các chuyên gia của Erisson đã chia sẻ nhiều giải pháp công nghệ với các doanh nghiệp viễn thông VN như VNPT, MobiFone...
Lãnh đạo hãng Ericsson thuyết trình các giải pháp công nghệ 4G, 5G và thành phố thông minh với đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại diện Ericsson cho biết hãng hiện có 1.300 nhân viên tại Pháp, chủ yếu ở Paris. Là một doanh nghiệp công nghệ của Thuỵ Điển, nhưng Ericsson hiện đang cung cấp thiết bị và giải pháp cho 2 trong 4 nhà mạng lớn ở Pháp và vận hành kênh truyền hình France 24.
Ericsson hiện đang tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng mạng 4G, 5G, Internet vạn vật, là những lĩnh vực Việt Nam đang chuẩn bị ứng dụng.
Trao đổi với các lãnh đạo của Tập đoàn Erissson, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cam kết tạo điều kiện để Erisson đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ở những lĩnh vực khó như mong muốn của doanh nghiệp.
Nokia đã có thứ VN đang cần
Tiếp đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nokia đã dành gần 1 ngày 28/11 để giới thiệu các công nghệ mới, đặc biệt là thành phố thông minh.
Đại diện Nokia cho biết, bài toán cần giải là băng thông, cấu trúc hệ thống thế nào để mọi thứ phản ứng tức thời trong vô vàn kết nối cùng lúc trên mạng lưới quá phức tạp.
Bộ trưởng và đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm về thành phố thông minh với các chuyên gia của Nokia.
Lần đầu tiên bài toán về phân tán mạng lưới và dữ liệu, ngược lại với công nghệ hội tụ đang ứng dụng, để đáp ứng các nhu cầu nhanh hơn kèm giải pháp an toàn thông tin được Nokia đặt ra để các doanh nghiệp cùng giải.
Nokia sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam bằng tất cả những gì đang có và chắc chắn đây là những gì Việt Nam đang cần.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bày tỏ sự vui mừng khi được Nokia giới thiệu những công nghệ mà Việt Nam đang rất cần. Ông giao cho doanh nghiệp VN nhiệm vụ hiện thực hoá cơ hội hợp tác để có kết quả trong tương lai gần.
France 24 mong được mở rộng quy mô tại Việt Nam
Thăm kênh truyền hình lớn nhất nước Pháp chiều 28/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông báo đến Tổng Giám đốc France 24 rằng hiện VN có hơn 1.000 cơ quan báo chí, 66 Đài PTTH từ TƯ đến địa phương, 182 kênh truyền hình quảng bá. France 24 là kênh rất nổi tiếng và người Việt Nam vẫn xem.
Đoàn công tác thăm và làm việc với France 24.
Nhân dịp Tổng thống Pháp thăm Việt Nam cách đây vài tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho France 24 tại VN.
Ông Tổng giám đốc France 24 cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép và cảm ơn VNPT đã đưa France 24 đến 1 triệu người xem trên MyTV. France 24 mong muốn kênh được mở rộng diện phủ sóng và thêm phiên bản tiếng Pháp chạy song song với bản tiếng Anh vừa được cấp phép.
"Việt Nam là một nước lớn về quy mô dân số và vị trí địa lý, dân số trẻ và biết ngoại ngữ. Đây cũng là cánh cổng mở vào thị trường Đông Nam Á nên rất quan trọng", Tổng giám đốc France 24 nói.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoan nghênh đề xuất mở rộng hoạt động ở Việt Nam. "Các DN Việt Pháp đang đầu tư kinh doanh khá hiệu quả. France 24 nên truyền thông về sự hợp tác này với thời lượng phù hợp, và tăng cường tuyên truyền hình ảnh đất nước con người hai nước".
Nguồn: vietnamnet.vn