Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân, giảng viên trẻ xuất sắc của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM, sẽ bắt đầu hành trình tại Đại học Bang Michigan (MSU) từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2024 thông qua Chương trình Trao đổi Học giả (VSP) trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ. Thầy Luân sẽ thực hiện nghiên cứu nhằm khám phá và vận dụng các tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc bảo tồn và phục hồi ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng.
Tốt nghiệp Thạc sĩ vào năm 2023 tại Nhật Bản với số điểm tuyệt đối, giảng viên trẻ Nguyễn Thành Luân tiếp tục đam mê với nghiên cứu về dịch thuật và xử lý giọng nói, khai thác dữ liệu mạng xã hội, phân loại văn bản và xử lý ngôn ngữ tại Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP. HCM. Lĩnh vực nghiên cứu của thầy Luân tập trung sâu vào vận dụng trí tuệ nhân tạo để bảo tồn và phục hồi các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng. Trong thời gian tham gia chương trình, thầy Luân sẽ tận dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để học ngôn ngữ và kết hợp với các dữ liệu số hiện có về các ngôn ngữ thiểu số để phát triển các hệ thống phiên dịch tiên tiến dành riêng cho văn bản tiếng Việt.
Chia sẻ về động lực thực hiện nghiên cứu về chủ đề này, thầy Luân cho biết: “Qua quá trình thực hiện các nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, niềm đam mê của tôi với việc khám phá các đặc trưng và sự khác biệt độc đáo giữa các ngôn ngữ từ góc nhìn của một người trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng sâu sắc hơn. Đặc biệt hơn, Việt Nam là đất nước với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều bảo tồn ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng, càng thúc đẩy mong muốn của tôi trong việc nghiên cứu sâu hơn về những ngôn ngữ này.”
Kết quả dự kiến của nghiên cứu là các phương pháp và mô hình dịch máy sẽ hiểu và dịch được các ngôn ngữ dân tộc thiểu số sang tiếng Việt. Ngoài ra, nghiên cứu còn cung cấp các bộ dữ liệu dịch máy chất lượng cao, phục vụ cho cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu này có thể được ứng dụng để phổ biến các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất do không còn được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.
“Tôi hi vọng rằng nghiên cứu này sẽ tạo tiền đề và động lực cho những công trình nghiên cứu về sau nhằm bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc anh em, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo của Việt Nam” – thầy Luân chia sẻ.
Thực hiện nghiên cứu tại Đại học Bang Michigan, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư uy tín và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, là một cơ hội tuyệt vời để thầy Luân trau dồi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, việc được trang bị các hệ thống máy tính cấu hình cao, đáp ứng nhu cầu huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn, là một điểm cộng giúp tối ưu hóa quá trình nghiên cứu và sử dụng thời gian một cách hiệu quả.
Sau khi hoàn thành chương trình, thầy Luân dự định sẽ áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm mới vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tại Việt Nam. Đồng thời, thầy cũng thể hiện cam kết tăng cường hợp tác quốc tế nhằm mang lại nhiều giá trị học thuật tại Việt Nam và toàn cầu thông qua các nghiên cứu về xử lý giọng nói bằng công nghệ.
Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đồng hành cùng các học giả từ (1) Đại học Quốc gia Hà Nội, (2) Đại học Đà Nẵng, và (3) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của các học giả trên khắp Việt Nam, đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Vào học kỳ mùa hè và mùa thu năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả sẽ gửi tổng cộng 21 học giả từ ba đại học công lập lớn của Việt Nam đến các cơ sở tại Hoa Kỳ để nghiên cứu và trao đổi học thuật.
*Nguồn: https://phervietnam.org/
Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/LibUIT.Fanpage/posts/pfbid0KAkrdtUV7BnVjS1N88ijiQC8x8S7ar53uNAXspMXvVS4tGJG1MH7LKkfJWBfHx4sl
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thông tin