Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Review sách: Đồi gai 

“ Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời,

Đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”

Đồi gai là một cuốn tiểu thuyết đề cập đến sự thiếu thốn từ tình thương gia đình, sự thèm khát một người bạn, sự lãnh đạm của người lớn, và sự vô trách nhiệm của những người xung quanh. Những tổn thương ấy  tạo nên một nỗi buồn sâu sắc truyền tải cảm giác tê liệt về sự tuyệt vọng, buồn bã và trên hết là sự cô đơn, lạc lõng không ai bầu bạn.

Khi đọc Đồi gai, bạn sẽ thấy một nửa quyển là tranh vẽ và nửa còn lại là lời văn, chúng không miêu tả cho nhau mà là kể về hai nhân vật, hai mạch truyện khác nhau ở hai dòng thời gian quá khứ và hiện tại.

Năm 1982, cô bé Mary mắc chứng câm chọn lọc, điều này khiến cô bé khó bày tỏ những gì mình muốn nói bằng lời. Mary trút những cảm xúc mà em không có cơ hội nói ra lên những trang nhật kí của mình, về những gì đang ngày ngày dày vò thân xác và tinh thần của cô bé. Là bắt nạt, là bạo hành, là những trò chơi khăm của đám bạn, là sự dè bỉu, là những cái nhăn mặt nói em phiền phức.

Năm 2017, cô bé Ella vừa chuyển đến nhà mới. Đứa trẻ này chưa quen với sự ra đi của mẹ, ước muốn được ăn cơm cùng cha của mình, ước muốn được nhìn thấy cha thay vì là những tờ giấy note với dòng chữ lạnh ngắt. Em dường như bị chính người thân mình lãng quên.

Tưởng chừng như Ella phải sống mãi với nỗi cô độc ấy, cho đến khi Ella tìm thấy khu nhà cũ ở Đồi gai, cho đến khi cô bé thấy thấp thoáng linh hồn của Mary. Dường như lúc đấy, ước muốn có bạn của Ella như sắp thành hiện thực . Cô đến Đồi gai, tìm Mary, tặng những món quà nho nhỏ như để bày tỏ tình cảm chân thành, thật tâm đến với Mary, mong Mary cảm nhận được và có thể cùng làm bạn.

Điều đặc biệt ở đây là Mary trải qua chứng câm có chọn lọc. Vì vậy cô ấy không nói thành tiếng được nhưng lại là người kể lại câu chuyện và có tiếng nói. Mặt khác, Ella, người có thể nói được, lại được kể qua những bức tranh minh họa đen trắng không có lấy một câu thoại. Cả hai cô gái đều vô thức bị trói buộc bởi sự cô đơn nảy sinh từ việc họ bỏ mặc mọi thứ xung quanh và không thể lên tiếng.

Sự cô đơn, sợ hãi tràn ngập trong từng câu từng chữ. Những trang nhật kí xen lẫn những bức tranh khiến cho mình càng chìm đắm vào sự thiếu thốn kéo dài của nhân vật. Tưởng như bản thân đang đứng trong căn phòng ấy, đối diện với cánh cửa đóng kín bị đập thình thình trong đêm tối, tưởng như mình đang thấy bóng dáng cô bé co gối, cố gắng kìm nén sự sợ hãi để không bật khóc, tưởng như bản thân chính là cô bé cúi gằm mặt bước từng bước một mình đằng sau các bạn. Tưởng như… đang nghẹt thở trước các dòng chữ…

Nhưng dù thế nào đi nữa, cuối cùng, khi cả hai dòng thời gian va chạm nhau, cả hai cô bé tìm thấy được nhau, tìm thấy điều mà chúng đã bỏ lỡ trong suốt cuộc đời: một người bạn yêu mình vì chính con người mình.

 Chúng ta vẫn luôn nghĩ thế giới của những đứa trẻ đơn giản lắm, vẫn nghĩ vấn đề mà chúng đang gặp phải đâu nhằm nhò gì so với mình. Nhưng ta đều quên rằng, chính bản thân cũng từng là những đứa trẻ trước khi trở thành “người lớn”. Ở tuổi của chúng, bản thân mình cũng phải vật vã, đấu tranh để vượt qua được những điều tồi tệ ấy. Vậy nên đối đãi dịu dàng với mọi đứa trẻ, là đối xử dịu dàng với thế giới này.

Content: Vân Khánh

Design: Huỳnh Hải

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/clb.sachvahanhdong.uit/posts/pfbid02MdzwwNSWQudToCfcMtWHLDtqpy8Y3EBXmn1ZGqKcn3rF8532eV6LT9KuamB4GuYkl

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin