Skip to content

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2025 – 2030

  • Tiếng Việt
  • English

Review sách Đúng việc - Một góc nhìn của một câu chuyện khai minh 

Nếu các bạn đang trăn trở về "mình và những việc mình cần phải làm để thực sự tạo nên giá trị sống" thì Đúng việc sẽ là cuốn sách mà bạn không nên bỏ lỡ. Cùng những tư duy giáo dục mang đậm tính Việt Nam nhưng vẫn rất hiện đại, Đúng việc sẽ đem lại cho bạn một góc nhìn mới, một bộ tư duy "không thể nào quên".

Tuy nghe những điều như giáo dục hay khai minh là một câu chuyện vĩ mô, nhưng qua ngòi bút của Giản Tư Trung, nơi ông muốn dành quyển sách này mà cả độc giả bình dân nhất cũng có cho mình bài học nào đó. Quyển sách không có những câu quote cao siêu, không có những ví dụ ngầu lòi. Đơn giản, quyển sách này gần gũi và có nhiều suy nghĩ giản đơn. Chia nhỏ nội dung ra làm bốn phần, khi dần dần bóc tách từng chương, chúng ta hiểu thêm về "học ăn, học nói, học gói, học mở" thật ra còn đẹp đẽ hơn thế.

Bạn có bao giờ tự hỏi "làm người" là làm gì? Để có thể làm người bạn cần những điều gì và làm thế nào để đạt được điều đó? Phần đầu tiên của cuốn sách sẽ là ví dụ thực tế nhất. Phần đầu đề cập đến các ví dụ thực tế về mục đích sống dựa theo triết lý Plato. Không như loài vật, loài người vượt trội hơn ở cách sống biết lắng nghe, có thể nhận biết đúng sai. Mỗi người trong chúng ta đều phải sống, phải đấu tranh vì điều gì đó. Vì chúng ta có suy nghĩ, vậy chúng ta phải đấu tranh. Nói cho văn vẻ thì ta phải nắm bắt được sợi dây rung cảm của chính mình và của mọi người để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Hãy nghĩ như thế này, bạn là sản phẩm độc nhất của chính mình. Tốt đẹp hay xấu xa là việc của ta tự quyết định. Tuy thế giới quan của mỗi người là độc nhất, tôi mong là bạn không phải là nô lệ của bất cứ thứ gì, hay bạn làm mọi việc chỉ vì muốn vừa lòng tất cả người khác.

Chúng ta không phải chỉ mỗi việc "làm người". Sống trong một xã hội văn minh, thì nhận thức được vị trí của mình trong xã hội cũng không thể xem là một yêu cầu quá khó khăn. Nhưng nếu thế thì vì sao cần nói về "làm dân"? Năng lực làm dân này từ đâu mà có? Làm dân là một năng lực trừu tượng, mang nhiều triết lý phức tạp (mà tôi cũng chưa hiểu hết được). Sử dụng lối hành văn dày dặn kinh nghiệm, Giản Tư Trung đã đưa “làm dân” ra bàn luận một cách giá trị và dễ hiểu. Thật là hạn hẹp khi bạn nghĩ cuộc sống chỉ cần vì mình là đủ. Đi cùng một "bản thân" tự do là một cuộc sống có ý nghĩa với đất nước, không chỉ với chính mình mà còn phải gầy dựng một đất nước hùng cường, bền vững mà ta đang sinh sống. Điều này đi vào trong tiềm thức một người đọc như chúng ta một cách tự nhiên, không một chút ép buộc.

Muốn làm bất cứ thứ gì, ở bất cứ vai trò gì thì biết cách "làm việc" chính là chìa khóa để tồn tại. Dù là ai, dù ở vị trí nào thì cũng đều đem lại giá trị cho xã hội. Giá trị của bạn không phải bạn làm ra bao nhiêu tiền mà bạn đã làm việc và tạo nên lợi ích nào đó cho cộng đồng. Bản thân là một con ngựa hoang khó thuần, tôi mong bạn sẽ đem lại cho đất nước mình những trải nghiệm thú vị ở những nơi xa.

Chủ đề cuối cùng này tôi và bạn nói ra thật khô khan, nhưng vai trò của "giáo dục" lại cực kỳ quan trọng với mỗi người. Đâu là điểm cuối cùng của giáo dục? Đổi mới giáo dục có thực sự là cần thiết? Điều đó được tập trung phân tích trong chap 4. Đơn giản đó là giáo dục - hay đổi mới giáo dục là một truyện rất ... phức tạp. Quá trình tự giáo dục - giáo dục chỉ hoạt động tốt khi mỗi cá nhân hiểu được "bản thân", làm đúng việc của mình mà không ôm đồm hay mơ mộng trong cuộc sống. Hiển nhiên, nếu không hội tụ đủ các "sức mạnh" đó thì không bao giờ có thể đổi mới được. Mỗi người trong cuộc sống đều mang trong mình một giá trị nào đó, một vị trí đứng của mỗi người trong chính cuộc đời họ.

 Mong muốn mang lại giá trị cho cộng đồng, kết hợp cùng lối hành văn đơn giản, dí dỏm cuốn sách mang đến cho ta cái nhìn sâu sắc về những người làm giáo dục, họ đều mong muốn hướng đến một xã hội văn minh, tích cực hơn. Xuyên suốt quyển sách không chỉ có mỗi triết lý suông mà còn là những ví dụ thực tế dí dỏm. Không khô khan mà lại rất bổ ích. Chắc chắn bạn sẽ có những suy ngẫm khác sau khi đọc đó. Nhưng có một lưu ý nho nhỏ, hãy đọc Đúng việc thật từ tốn, đừng hấp tấp. Trải nghiệm một món ăn ngon và đắt tiền, quả là một kinh nghiệm quý báu mà. Mong muốn chia sẻ một vài suy nghĩ về con đường khai minh, tôi mong các bạn đọc sau khi trải nghiệm sách sẽ có những kiến thức mới, hay chỉ đơn giản là giúp các bạn vượt qua được những hoang mang đời mình và tìm ra con đường khai minh của chính bạn.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/clb.sachvahanhdong.uit/posts/pfbid0TcWjjYUwjdTfoccJtmriUEKvcKyceCFeTJdqyLmfzY4ct14C6S9U744B738GgKs2l

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin