Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Sinh viên viết phần mềm cờ toán 'bất khả chiến bại'

Hiện phần mềm Cờ toán Việt Nam do ba sinh viên Đại học Công nghệ lập trình là bất khả chiến bại với phần đông người chơi, ở mức độ trung bình mới có một người chiến thắng.

Sản phẩm công nghệ “Chương trình Cờ toán Việt Nam” của nhóm sinh viên Nguyễn Hà Thanh, Trần Hữu Trung, Trần Văn Hưng thuộc khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ vừa nhận giải nhất giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Sản phẩm đã được đưa lên kho ứng dụng của các hệ điều hành phổ biến như IOS, Android.

Nguyễn Hà Thanh cho biết, khi học môn trí tuệ nhân tạo ở năm thứ 3 đại học, nhóm được GS Nguyễn Thanh Thủy (Hiệu phó Đại học Công nghệ), giảng viên dạy trực tiếp môn học này giới thiệu về môn Cờ toán Việt Nam và nỗi khắc khoải của người sáng lập Vũ Văn Bảy về vấn đề phổ biến rộng rãi môn chơi này. Dù được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là sản phẩm trí tuệ vào tháng 5/2005, nhưng Cờ toán vẫn chưa được nhiều người biết đến.

sinh-vien-viet-phan-mem-co-toan-bat-kha-chien-bai

Nhóm 3 sinh viên lập trình, mã hóa các thuật toán, đưa chương trình Cờ toán Việt Nam lên các ứng dụng IOS và Android.

Nhóm được thầy Thủy đưa sang Bắc Ninh gặp ông Bảy và được ông chia sẻ về triết lý của môn cờ này. Đồng cảm với khát vọng duy trì môn chơi và thấy được khả năng có thể phổ biến nếu được cài và sử dụng trên các thiêt bị thông minh để người chơi luyện cờ ở mọi lúc, mọi nơi, ba sinh viên đã ghi chép cẩn thận kiến thức từ tác giả sáng lập, sau đó mã hóa thành công chiến lược chơi, các thế cờ trong máy hướng đến việc ứng dụng trên thiết bị thông minh.

"Tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thiện sản phẩm Cờ toán Việt Nam và đưa thành công lên các kho ứng dụng của hệ điều hành IOS và Android. Hiện nay, thiết bị thông minh dùng các hệ điều hành có thể tải về và cài đặt miễn phí phần mềm trò chơi", Hà Thanh cho hay.

Thành viên Trần Văn Hưng khẳng định, Cờ toán Việt Nam đem đến lợi ích tăng cường khả năng tính toán cho người chơi ngay bởi chính luật chơi mà tác giả Vũ Văn Bảy đã đưa ra. Bàn cờ toán là bàn cờ hình chữ nhật, gồm 99 ô (9 ô hàng ngang và 11 ô hàng dọc). Ô thứ 5 ở hàng thứ 2 của mỗi bên có đường chéo là vị trí cố định của quân số 0 (tức trong khi chơi, số 0 không được di chuyển).

Mỗi bên có 10 quân cờ hình tròn từ 0 đến 9, với màu khác nhau. Trên mỗi quân có các dấu chấm tròn thể hiện các số thứ tự 0-9 (ví dụ, quân số 1 có một chấm tròn; quân số 9 có chín chấm tròn). Trong quá trình chơi, dựa vào tài năng của mình, hai bên có thể phân thắng bại bằng tổng số điểm bắt được, nhưng điểm thú vị trong cờ toán là bất kể khi nào, cứ bắt được quân số 0 của đối phương là thắng tuyệt đối.

Cờ toán khác cờ tướng ở chỗ cờ tướng thì ăn trực tiếp (ngoại trừ quân pháo). Còn cờ toán buộc phải có hai quân để có thể làm một phép tính và khai triển đòn tấn công. Ngoại trừ quân số 0 không được phép di chuyển ra khỏi vị trí, các quân còn lại 1-9 đều được đi theo tám hướng (trong đó bốn hướng đi thẳng ra bốn phía ngang, dọc và bốn hướng đi chéo theo đông - tây - nam - bắc). Mỗi ô trống trên bàn cờ là một bước đi. Số bước đi được thực hiện theo trị số riêng của từng quân cờ.

Cờ toán Việt Nam có nhiều thế rất hay, chứa đựng triết lý sâu sắc. Cụ thể, trong môn cờ này, con số 0 – tức dân là quân cờ quan trọng nhất. Luật chơi chỉ rõ, mất dân là mất nước tức mất 0 là thua toàn cục. Quân 0 không di chuyển được nhưng là gốc để phân thắng bại.

Mỗi phép tính cộng khi chơi biểu hiện cho sự cộng hưởng, đoàn kết, phép trừ mang hàm ý lùi một bước để tiến nhiều bước, biết nhẫn nhịn chờ đợi thời cơ, phép nhân là biểu hiện của việc nhân lên bội phần của sức mạnh tập thể, phép chia là sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống. Một nguyên tắc khác của cờ toán Việt Nam là quân đi lẻ sẽ bị tiêu vong, đoàn kết đi chung thì sức mạnh được nhân lên.

Nhóm cho biết, ông Bảy từng nói, chơi cờ toán không chỉ giúp rèn tư duy chiến lược sắc bén, tính cẩn thận mà còn hướng người chơi đến những giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Bàn cờ toán luôn có ba chữ “Thân Thiện - Trí Tuệ - Sáng tạo” cũng bắt nguồn từ tâm niệm đó. 

Cũng theo tác giả Bảy, chơi cờ cũng là để khai trí, khai tâm, xích mọi người lại gần nhau hơn chứ không phải để chấp vặt thắng thua. Nếu có cơ hội tìm hiểu sâu về cờ toán, người chơi sẽ thấy thú vị với các nước cờ biến hóa, mang đậm chất dân gian người Việt như: Dẫn thủy nhập điền, Tát nước be bờ hay Đếm cua trong lỗ... Triết lý xuyên suốt của cờ toán là “Lấy dân làm gốc”.

"Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, năng lực tập trung, khả năng sáng tạo, tư duy cục diện do bán cầu não phải chỉ huy, não trái dành cho tư duy logic, ngôn ngữ và các con số. Cờ toán Việt Nam là môn cờ mà bên cạnh việc nhìn nhận thế trận, người chơi phải phát huy khả năng tính toán rất nhiều, do vậy giúp cho não phát triển một cách toàn diện", Trần Hữu Trung nói và cho hay, kể từ khi sản phẩm được trưng bày ở Chợ công nghệ Techmart 2015 và cung cấp trên các kho ứng dụng, nhóm chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào.

Để phổ biến môn chơi này, nhóm sinh viên đã đưa các thuật toán theo 3 mức: dễ, trung bình và khó để người chơi có thể chọn lựa. Hiện nay, phần mềm của Cờ toán Việt Nam do nhóm lập trình là bất khả chiến bại với phần đông người chơi. Cho đến thời điểm hiện tại, ở mức độ trung bình, nhóm mới tìm ra được một người chiến thắng là con trai ông Bảy - người sáng lập môn cờ này.

"Tại hội chợ Techmart 2015, đa phần người chơi bị đánh bại ngay từ mức dễ, trong số người chơi thử chương trình ngày hôm đó, chúng tôi ấn tượng với một em lớp 5. Em ấy chia sẻ thích học môn toán nhất trên lớp và đã dành được chiến thắng trước máy (với sự giúp đỡ của Thanh). Bản thân chúng tôi, những người viết thuật toán cho game này chỉ đôi lần thắng máy ở mức dễ", Trung cho hay.

Khoa Công nghệ Thông tin Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập. Nhờ hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh, tạo thành trường phái như nhóm nghiên cứu về Tin - Sinh học, nghiên cứu và Khai phá dữ liệu Công nghệ tri thức, nghiên cứu Xử lý ngôn ngữ Tự nhiên, nghiên cứu về Kiểm chứng phần mềm, nghiên cứu về xử lý mã hóa và nén video..., khoa Công nghệ thông tin đã giành nhiều vị trí cao trong giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Trích: vnexpress.net