Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Thi khối ngành công nghệ - viễn thông: Rất cần nhân lực trình độ cao cho tương lai

(TNO) 14 giờ 30 chiều nay (6.3), chương trình truyền hình trực tuyến tư vấn tuyển sinh với nội dung về khối ngành công nghệ thông tin - viễn thông đã giải đáp rất chi tiết về nhu cầu, kỹ năng khi thí sinh chọn khối ngành này.

14 giờ 30 phút chiều nay, các học sinh trường THPT Trí Đức TP.HCM đã có mặt để tham dự buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến.

Theo nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh Niên - Giáo dục báo Thanh Niên, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM cho biết trong năm 2014, công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những nhóm ngành cần nhiều nhân lực. Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT, nhu cầu nhân lực ngành này mỗi năm tăng 13%. Công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng hiện diện mọi nơi trong đời sống hiện đại.

CNTT - Viễn thông là những ngành cũ nhưng luôn luôn mới vì phải thay đổi, cập nhật thường xuyên vì thế nó luôn cuốn hút sự quan tâm của thí sinh.

 
Các thầy đại diện cho các trường nhận hoa từ ban tổ chức - Ảnh: Khả Hoà

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ gồm:

- PGS.TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM.

- Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

- Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.

- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen.

- Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

- Thạc sĩ Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình qua địa chỉ: www.thanhnien.com.vn hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248.

Mở đầu, PGS.TS Dương Anh Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM - chia sẻ thêm để học sinh có cái nhìn tổng quan về ngành CNTT.

Theo ông Đức, ngành CNTT là ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm. Hiện trên cả nước có 300/400 trường ĐH-CĐ có đào tạo CNTT. Hằng năm các đơn vị tuyển dụng đều yêu cầu số lượng nhân lực rất cao – cao hơn nhiều số lượng chúng tôi cung cấp. Ngành CNTT chia làm 2 nhóm. Trong đó, nhóm máy tính có chuyên ngành về phần cứng và phần mềm. Sinh viên ra trường có thể làm việc trong các hãng chuyên về máy tính phần mềm, phần cứng và gần đây là cung cấp dịch vụ trong CNTT. Ngoài ra, trong bất kỳ cơ quan nào hiện giờ cũng cần bộ phận phụ trách CNTT.

 
PGS.TS Dương Anh Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM  - Ảnh: Khả Hoà

Trong năm 2013, Chính phủ đã cho phép đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu thêm ngành an ninh thông tin (hệ thống thông tin, an ninh, bảo mật thông tin). Hiện ĐH Công nghệ thông tin và ĐH Bưu chính Viễn thông là hai trường được giao đào tạo ngành này.

Ông Đức cho biết, theo một nghiên cứu về nhu cầu nhân lực thì đến năm 2015, nước ta cần nửa triệu nhân lực CNTT, đến 2018 là hơn 1 triệu, lương trung bình khoảng 1.000 USD/tháng (đối với nhân viên có năng lực tốt).

Tiếp theo, Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, chia sẻ: Ngành viễn thông là ngành đang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất để liên lạc, thông tin với nhau. Khi học ngành viễn thông, sinh viên sẽ học luôn kiến thức căn bản về ngành điện tử và cả CNTT - tin học.

Sinh viên ra trường làm được tại các công ty, cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông, nơi áp dụng về viễn thông (truyền hình), cơ quan đầu tư, trang bị hệ thống mạng máy tính, viễn thông.

Một loạt câu hỏi của học sinh gửi đến trường ĐH Hoa Sen về vấn đề đào tạo các ngành: đồ họa máy tính, truyền thông và mạng máy tính, PR truyền thông, Marketing không? Học phí một năm bao nhiêu?

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen giải đáp: Trong nhóm ngành thiết kế có ngành thiết kế đồ họa. Ngành này thiết các sản phẩm phục vụ cho truyền thông. Trước nay chỉ bậc cao đẳng, trung cấp phục vụ cho nhu cầu doanh nghiệp, nay trường có cả bậc đại học.

 
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh: Khả Hoà

Trường không có chuyên ngành riêng về PR, nhưng trong ngành marketing, chúng tôi có đào tạo 4-5 môn học liên quan đến truyền thông.

Trường có 3 ngành liên quan đến CNTT như mạng máy tính, phần mềm… Đây cũng là ngành đầu tiên được đưa vào chương trình đào tạo của trường. Trường có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ, ngân  hàng. Ngành này luôn được các doanh nghiệp đặt hàng, đào tạo nhân lực. Các em học ngành này luôn được thực tập với các doanh nghiệp công nghệ và có cơ hội việc làm.

"Năm nay em thi vào trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM, em đăng ký ngành công nghệ thông tin. Thầy tư vấn giúp em về ngành này? Ngành nào dễ xin việc làm hơn? Nhu cầu tuyển dụng hiện nay của CNTT như thế nào?", bạn đọc ở Vũng Tàu thắc mắc.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết: Lĩnh vực CNTT có một số ngành chính như Công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, máy tính và truyền thông,… tùy mỗi ngành mà có chuyên ngành đi sâu hơn. 

Về việc có dễ học và dễ tuyển dụng không, không chỉ lĩnh vực CNTT mà ngành nào cũng cần sinh viên có kiến thức, sở thích, khả năng thích nghi với nghề nghiệp. Khi vào ngành đó có đam mê, chịu khó, thích thú mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của ngành nghề.

 
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Khả Hoà

Nếu các em nào thích lập trình có thể chọn ngành công nghệ phần mềm; nhóm ngành khoa học máy tính có nhiều chuyên ngành tùy theo sở trường thiên về phần cứng, năng lực toán học,… để đi vào khoa học tri thức như nhận biết giọng nói, thị giác qua máy tính. Ngành mạng thì nhu cầu nhân lực rất lớn. Nếu có năng lực và sở thích thì các em nên mạnh dạn đi theo ngành này

Một học sinh khác ở Huế hỏi: "Theo như trên mạng bậc CĐ chính qui không có ngành quản trị mạng máy tính, vậy cho em hỏi khi học ngành CNTT có bao gồm quản trị mạng không. Hai ngành này khác nhau như thế nào. Điểm chuẩn dự kiến ra sao. Cơ hội việc làm của ngành nào cao hơn?".

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM giải thích: Ngành quản trị mạng nằm trong ngành rộng là truyền thông và mạng máy tính. Ngành này đào tạo kỹ năng để quản lý các loại mạng; ngành Kỹ thuật điện tử truyền thông đào tạo kiến thức kỹ năng thiên về phần cứng. Điểm mạnh của ngành kỹ thuật điện tử truyền thông là thiết kế các vi mạch điện tử và định hướng đến điện tử nano. Nhu cầu nhân lực đang phát triển rất lớn, đặc biệt là chuyên môn về hệ thống nhúng.

Một bạn đọc hỏi: “Hiện em có bằng APTECH. Nay em muốn học liên thông lên ngành CNTT của trường có được không?”

Một bạn đọc khác hỏi trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH): “Em nghe nói trường có liên kết đào tạo ngành Quản trị Công nghệ Truyền thông. Ngành này tuyển sinh và đào tạo như thế nào?”

Trả lời các câu hỏi của bạn đọc, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông trường HUTECH, cho biết: “HUTECH có tuyển sinh liên thông học sinh - sinh viên có bằng của APTECH. Tuy nhiên, do không biết bằng APTECH của bạn là bằng CĐ hay chỉ là chứng chỉ nghề nên không thể tư vấn chính xác. Vì vậy, tốt nhất, những bạn nào có quan tâm nên trực tiếp đến trường để được tư vấn cụ thể”.

 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông trường HUTECH - Ảnh: Khả Hoà

Riêng về ngành Quản trị Công nghệ Truyền thông thì ông Quốc Anh cho biết HUTECH không đào tạo. Trường chỉ đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử và Truyền thông.

"Ngành công nghệ may học như thế nào? Học xong em có thể thiết kế thời trang được không? Thầy cô có thể giải thích giúp em sự khác nhau giữa 2 chuyên ngành  Công nghê may và Thiết kế thời trang. Em đang phân vân không biết chọn ngành nào? Tính tình của em thì năng động, sáng tạo?", bạn Hoàng Thị Yến (ở Long An) nhờ chương trình tư vấn.

"Em đăng ký dự thi chuyên ngành Công nghệ dệt. Em nghe nói ngành này có phải tiếp xúc với hóa chất độc hại nhiều không? Thầy tư vấn giúp em là có nên chọn ngành này không? Nếu em học thì nhà trường hoặc SV cần trang bị kiến thức và bảo hộ như thế nào đối với sức khỏe của SV cũng như lúc đi làm?", bạn đọc Công Hùng ở Thanh Hóa đặt câu hỏi.

Thạc sĩ Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM tư vấn: trường có đào tạo các ngành công nghệ may, thiết kế thời trang, công nghệ sợi dệt... Trường đào tạo cho nhu cầu của tập đoàn, doanh nghiệp dệt sợi, may mặc. Sự khác nhau của hai ngành này là công nghệ may được đào tạo kiến thức cơ bản, quản lý công nghệ may. Còn thiết kế may đào tạo thiết kế thời trang sản phẩm thời trang. Học ngành thiết kế sử dụng nhiều phần mềm đồ họa ứng dụng.

 
Thạc sĩ Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM - Ảnh: Khả Hoà

Nói đến công nghệ dệt, các em cứ nghĩ đến sẽ tiếp xúc với hóa chất độc hại nhưng thực chất không phải vậy. Hiện nay máy móc dệt may rất hiện đại, vấn đề bảo vệ sức khỏe của người lao động ở doanh nghiệp được thực hiện rất tốt. Sau khi đào tạo, các em sẽ thực tập ở các công ty dệt may lớn, có trang thiết bị hiện đại nên các em yên tâm về vấn đề bảo hộ, bảo vệ sức khỏe. Các em nên tìm hiểu ở trang web của trường để biết rõ các ngành nghề cụ thể.

"Ước mơ sau này của em là được làm và có thể tự mình sản xuất các linh kiện điện tử. Theo các thầy, em chọn ngành nào cho phù hợp với sở thích của mình. Ngành này đòi hỏi phải có tố chất và kĩ năng gì để học tốt và phát triển trong tương lai?", bạn Đặng văn Tình ở Phú Yên hỏi.

PGS.TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM giải đáp: Trường đào tạo đầy đủ các ngành về CNTT. Nếu liên quan đến linh kiện điện tử thì có ngành kỹ thuật máy tính, chủ yếu cung cấp kiến thức về phần cứng.

"Trong tương lai em muốn làm việc ở công ty Intel, muốn được vậy thì em nên chọn ngành nào cho phù hợp? Và em phải rèn luyện bản thân mình những kĩ năng và tố chất gi để học tốt và phát triển nghề nghiệp mai sau", bạn Trần Văn Tuấn (TP.HCM) hỏi.

PGS.TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM chia sẻ: sản phẩm nổi tiếng nhất của Intel là con chip, hướng đến chuyên phần cứng. Intel đầu tư lớn vào VN, nhất là ở TP.HCM. Tương lai, khi các ngành phát triển ở mức độ nhất định thì các lĩnh vực, kiến thức cũng liên hệ với nhau. Vì muốn biết phần mềm thì cũng phải có kiến thức phần cứng và ngược lại. Intel là công ty đa quốc gia nên phải có vốn ngoại ngữ tốt sẽ tăng cơ hội việc làm. Ngoài học chuyên môn, muốn tăng cơ hội việc làm thì các em phải chú ý đến kỹ năng mềm: ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp.

Từ hiện tượng game Việt Flappy Bird gây sốt toàn cầu của tác giả Nguyễn Hà Đông, một học sinh đặt câu hỏi: "Em rất thích học lập trình game trên thiết bị di động. Trường ĐH CNTT có dạy những chương trình đó không? Ra trường có dễ xin việc làm không?".

PGS.TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết: Có 2 chọn lựa cho các em khi muốn lập trình game trên thiết bị di động: chọn khoa công nghệ phần mềm có bộ môn lập trình game, có định hướng lập trình trên thiết bị di động. Hoặc đăng ký ngành mạng máy tính và truyền thông.

Một bạn đọc gửi câu hỏi: “Xin hỏi về ngành an toàn thông tin của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đào tạo những gì? Chỉ tiêu ra sao?”.

Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết: Ngành an toàn thông tin của trường đào tạo về các kỹ thuật bảo mật, bảo vệ hệ thống thông tin, an ninh mạng. Qua chương trình học sinh viên nhận biết khi nào hệ thống bị tấn công và phòng chống như thế nào. Ngành thi khối A và A1.

 
Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - Ảnh: Khả Hoà

Một phụ huynh gửi câu hỏi: “Con tôi đạt giải nhì Quốc gia môn Anh văn, học kỳ một lớp 12 vừa qua được học sinh giỏi. Vậy có được tuyển thẳng vào ngành CNTT của Học viện Bưu chính viễn thông không?”

Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết trường không tuyển thẳng học sinh giỏi Quốc gia môn Anh văn vào ngành CNTT.

"Theo em được biết thì hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành CNTT, liệu mỗi trường đều có cách đào tạo khác nhau hay giống nhau? Khi ra trường thì số lượng rất nhiều, liệu cơ hội làm việc giữa SV các trường có khác nhau không?", bạn Hoàng Trinh đặt câu hỏi.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM khẳng định: Thời gian học của em đều học trên máy tính để lập trình trên máy tính. Ngoài ra, trường tạo điều kiện cho em thực tập ở doanh nghiệp nhiều hơn.

Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cung cấp thêm thông tin: Trường trang bị các kiến thức, thực hành để sinh viên có thể làm được đồ án, tiếp cận công nghệ mới nhất. Thế mạnh lớn nhất của trường là ngành viễn thông. Các em ra trường rất mạnh về mạng máy tính, mạng viễn thông. Do là thành viên của VNPT nên trường có các phòng thực hành độc lập, hiện đại và liên kết với các đối tác mạnh của VNPT để gửi các em đi thực tập, để từ đó các em tiếp cận được công nghệ hiện đại.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nói thêm: Những ngành cùng mã ngành, tên ngành thì chương trình đào tạo giống nhau từ 70 - 90%. Những năm gần đây, các trường có sự phân hóa chương trình mạnh hơn. Như Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM mạnh về khoa học cơ bản nên sinh viên được trang bị chủ yếu kỹ năng toán học và tư duy sáng tạo. Tùy từng ngành mà được trang bị kiến thức cơ sở của nhóm ngành, chuyên ngành khác nhau.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có liên kết với ĐH nước ngoài để đầu ra được các ĐH ở Mỹ chấp nhận. CNTT rất cần tiếng Anh, tuy nhiên, yêu cầu tiếng Pháp cũng rất quan trọng, đặc biệt ở châu Âu.

Ở ĐH công lập thì học phí thấp nên lớp đông là tình trạng phổ biến, cơ sở vật chất không thể đáp ứng, điều kiện đào tạo đại trà vì thế sẽ khó khăn. Vì vậy trường có mở lớp CNTT theo chương trình kiểm định chất lượng quốc tế, có tăng cường tiếng Anh.

PGS.TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM lưu ý tiếp: Mỗi một nhóm ngành đều có kiến thức cơ bản, nền tảng giống nhau. Các bạn phải chịu khó nghiên cứu chương trình đào tạo của các trường sau đó so sánh giữa các trường. Trong ĐH Quốc gia TP.HCM có 3 đơn vị đào tạo lớn là ĐH CNTT, ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Bách khoa. Nói đến ĐH Bách khoa là nghĩ đến thế mạnh phần cứng, ĐH Khoa học tự nhiên mạnh về phần mềm.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ thêm một thực tế: Cách đây 20 năm khi nói tới lĩnh vực CNTT, bưu chính viễn thông thì đòi hỏi thí sinh muốn đậu vào ĐH ngành này phải có đầu vào giỏi. Nhưng những năm gần đây, nhu cầu nhân lực và chương trình đào tạo của trường đa dạng nên thí sinh có nhiều sức học khác nhau cũng có thể trúng tuyển, học CNTT.

Riêng ĐH Hoa Sen, đối với ngành CNTT, chú trọng đào tạo tiếng Anh, sử dụng giáo trình tiếng Anh của các trường quốc tế để chương trình học sát với kiến thức hiện đại, thực tế. Sinh viên ra trường có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau liên quan đến CNTT.

 
Quang cảnh buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh: Khả Hoà

Thạc sĩ Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM tư vấn: trong chương trình đào tạo của trường, chủ yếu đào tạo ứng dụng, quản trị phần mềm của doanh nghiệp. Các em học nhóm ngành CNTT của trường được thực tập tại các công ty về phần mềm để các em ứng dụng được CNTT trong quản trị doanh nghiệp.

Học sinh Diệu Linh đặt câu hỏi: "Em muốn dự thi vào ngành thiết kế thời trang. Cho em hỏi là 3 trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Hoa Sen, CĐ Vinatex, cơ hội việc làm tại các trường này khác nhau như thế nào?"

Thạc sĩ Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM giải đáp: Trường chuyên lĩnh vực dệt may nên đào tạo thiết kế thời trang hệ trung cấp và cao đẳng.

Nội dung đào tạo là dạy thiết kế thời trang may mặc, kiến thức thẩm mỹ, kỹ năng may mặc,… và các sinh viên được học về kỹ thuật, nghệ thuật, tham gia học khóa biểu diễn thời trang. Đợt thực tập sẽ được tham gia phòng kỹ thuật, thiết kế mẫu, chuẩn bị sản xuất các sản phẩm may mặc ở các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen bổ sung: Ngành này sinh viên được giảng dạy bởi những nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp từ Pháp. Vì thế các học viên bắt buộc phải giỏi ngoại ngữ. Chương trình được dạy 100% bằng tiếng Anh, trừ một số môn cơ sở.

Để có thể theo học, sinh viên được tạo điều kiện học các lớp tiếng Anh để có thể làm việc với chuyên gia thiết kế ở nước ngoài trong 2 năm đầu. Các em được trang bị kiến thức về hội họa, lịch sử, văn hóa,… Ngành này tuyển sinh thi tuyển khối H, xét tuyển khối V và H. Năm nay có thể thay đổi liên quan đến các khối thi.

 
Nhiều câu hỏi của thí sinh gửi đến chương trình tư vấn trực tuyến về khối ngành công nghệ - viễn thông - Ảnh: Khả Hoà

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM lưu ý: Thế mạnh của trường là kỹ năng thực hành, trải nghiệm qua các cuộc thi lớn. Trường có khoa thời trang và có cuộc thi Hutech Designers dành cho các bạn yêu thời trang.

Đối với ngành này, các nhà tuyển dụng rất khó tuyển dụng vì thường sinh viên ngành này có xu hướng mở các cửa hàng riêng khi ra trường. Ngành này tuyển sinh khối V và H. Hiện tại đang chờ phương án khối V1, H1 từ Bộ GD-ĐT. Trường đang chờ Bộ GD-ĐT duyệt phương án dành khoảng 25% để xét tuyển theo học bạ 3 năm, không tính theo điểm của kỳ thi 3 chung; dành 75% để xét tuyển từ kỳ thi chung.

Nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề cho các trường: Sắp tới sẽ có những cơ hội và thách thức nào đối với nhân lực trong lĩnh vực CNTT VN ở giai đoạn hội nhập quốc tế?

PGS.TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, đánh giá: “Nếu nói về kiến thức chuyên môn thì tôi chắc chắn rằng học sinh - sinh viên VN không hề thua kém sinh viên của nhiều nước tiên tiến trên thế giới”. Theo ông Đức, người VN có nhiều tố chất học tập, làm việc tốt trong lĩnh vực CNTT. Hiện, VN cũng nổi tiếng về nhân lực CNTT giá rẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều thách thức đối với nhân lực CNTT.

Theo ông Đức, đầu tiên là yếu tố về năng suất lao động. Năng suất lao động trung bình của nhân công VN chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Thứ hai là ý thức kỷ luật lao động của nhân công VN là điều nhiều nhà tuyển dụng quan ngại. Thứ ba là khả năng làm việc nhóm của chúng ta cũng chưa tốt.

Đồng thời, ông Đức cũng nêu lên những tố chất mà người làm trong lĩnh vực CNTT cần có để phát triển trong nghề nghiệp. Người làm trong lĩnh vực CNTT phải có khả năng tiếp thu kiến thức mới nhanh, tự đào tạo mình liên tục để thích nghi, nắm bắt được sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, bổ sung thêm: Khi hội nhập, nhân lực CNTT VN sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội vì không chỉ làm ở VN mà còn có thể làm ở 10 nước Đông Nam Á. Vì vậy, để học và làm việc tốt, sinh viên cần rèn luyện khả năng Anh văn thật tốt. Vì đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng để tiếp cận nguồn tài liệu, kiến thức quốc tế, giao tiếp, làm việc trong môi trường quốc tế.

"Em muốn học ngành viễn thông Vậy em xin hỏi cơ hội du học ở nhóm ngành này có nhiều hay không và sinh viên cần những điều kiện nào?", một học sinh hỏi ngay tại buổi tư vấn.

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết: Ngành này học ra có nhiều cơ hội du học. Sinh viên của trường đi du học rất nhiều. Sinh viên có cơ hội học ở châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… đi học lấy bằng thạc sĩ. Các nước này sinh viên chỉ chuộng ngành kinh tế mà không chuộng ngành kỹ thuật nên thiếu nhân lực về kỹ thuật. Ngoài ra các em học ngành này có cơ hội du học bằng học bổng của Chính phủ.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: Không chỉ ngành này mà những ngành khác, nếu các em học giỏi thì cơ hội du học rất lớn. Khoa điện tử viễn thông những năm qua có nhiều em được đào tạo ở nước ngoài.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thông tin thêm: Học bổng du học về nhóm ngành viễn thông rất nhiều. Ở trường có nhiều suất học bổng ở Đài Loan nhưng nhiều em không hứng thú vì các em có công việc ổn định trong nước. Ở nhóm ngành này cơ hội du học của các em rất lớn, ít bị cạnh tranh hơn các nhóm ngành kinh tế.

16 giờ 30, buổi tư vấn kết thúc, hẹn bạn đọc và các phụ huynh, thí sinh trong buổi tiếp theo vào 14 giờ 30 ngày 11.3.

 Nguồn: thanhnien.com.vn