Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình: Trước hết hãy thay đổi tư duy người thầy

 

Khanh Trinh DBGV.jpgĐoàn học sinh Việt Nam tham gia IMO 54 tại Colombia - 7.2013. Ảnh: Lê Bá Khánh Trình

Trong tình hình khó khăn, phức tạp như hiện nay của nền giáo dục nước ta, tôi tin là sẽ có một sự biến chuyển tốt...

    Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO-International Mathematical Olympiad) lần thứ 54 diễn ra từ 18-28.7.2013 tại Santa Marta (Colombia), đoàn học sinh Việt Nam giành 6 huy chương với 3 vàng, 3 bạc, riêng TPHCM có 2 vàng. Những ngày đầu tháng 12, trong bảng khảo sát của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, Việt Nam xếp thứ 17 về toán trong 65 nước được khảo sát. Việt Nam có chỉ số cao về toán học - một điều thật đáng mừng!

    Song, là một ông thầy dạy toán, lại có hai lần là trưởng đoàn Việt Nam dự cuộc thi Olympic Toán quốc tế (2005, 2013), tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi, như: Có thành tích này, phải chăng cũng do đổi mới tư duy học và dạy toán, hay chỉ là do… may mắn.

    Lúc này, có nên vội vàng, quá sốt sắng với kết quả đạt được từ các kỳ thi toán quốc tế, hân hoan với các thành tựu xếp hạng như vậy. Học trò Việt Nam tư duy toán giỏi, đã phải là tư duy về các lĩnh vực khác cũng giỏi? Cần đổi mới hơn nữa việc dạy, học toán thế nào sao cho các em đi học thì đạt kết quả cao, phát triển tư duy tốt, đi thi quốc tế thì không bẽ mặt với thiên hạ?

    Tôi muốn bắt đầu từ một “trò chơi chữ” nho nhỏ: Bên văn, theo tôi, cái tài của một ông thầy là chỉ nên “gợi” sao cho tài tình, để rồi trò có thể tự “cảm” được cái hay, vẻ đẹp, sự thâm thúy… của văn chương, sẽ tự mở ra cho chính mình một thế giới mới. Còn bên toán, người thầy “gợi” làm sao để trò có thể tự “mở” vấn đề.

    Hơn 20 năm trước, tôi tốt nghiệp khoa Toán - Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (LB Nga). Tới giờ, tính ra, tôi cũng đi dạy được 20 năm. Chừng 10 năm đầu, đi dạy - với tôi - vẫn chỉ là học việc. Tới giờ, vào tuổi 50, tương đối “chín” một chút, tôi thấy mình cũng đã có chút kinh nghiệm đúc kết được điều gì đó: Một bài toán ông thầy đưa ra tuy hay nhưng cổ, cũ rồi, trò thuộc cách giải rồi, thì đưa ra cũng bằng thừa. Là thầy, thì phải động não, phải tự tìm để đưa ra những bài toán mới với cách đặt vấn đề thật mới, có cấu trúc mới - một bài gói hai hay nhiều vấn đề.

    Bài toán khó và hay đưa ra không phải để đánh đố trò, mà buộc trò rèn luyện kỹ năng, cũng phải động não tìm cách giải hay; trò muốn giải quyết được vấn đề, trước hết phải có tư duy liên hệ.

    Rất quan trọng là người thầy đưa vấn đề làm sao gây bất ngờ để trò tìm được cách giải đẹp. Trên bục giảng, người thầy, khi trình bày vấn đề, cần tìm cách trình bày ngắn gọn nhất, xuyên suốt để trò nắm bắt nội dung có hệ thống. Khi đưa ra vấn đề, luôn có ý thức chờ đợi học trò sẽ “cải tiến” tư duy cho mình.

    Vấn đề thầy đưa ra tốt, nghĩa là “gợi” tốt thì trò sẽ “mở” tốt. Cũng đôi khi, chính cách giải thú vị bất ngờ của học trò lại gợi cho thầy hướng nghiên cứu mới… Trong trường hợp này, thầy trò cộng hưởng với nhau, cùng làm giàu tri thức, tư duy cho nhau.

    Tôi có cảm giác, chưa chắc những em nào được cho là thông minh là đã tìm được ra lời giải hay; chính những em “xoay xở” nhanh tìm được lời giải hay là khi không có gì bấu víu. Làm toán - cũng như sống - nếu cứ trong cảm giác “biết trước, cái gì mình biết là cũng đúng hết cả rồi” thì không còn gì sự lãng mạn cần thiết làm cuộc sống thi vị hơn.

    Lại có người hỏi tôi chiếc chìa khóa nào dùng để mở cho “bài toán” giáo dục nước mình? Trong thời hạn 3 năm, 5 năm, bài toán này có giải quyết được một cách gọn ghẽ? Tôi không mơ mộng hão huyền, cũng không bi quan, tôi nghĩ là, một lời giải rất đẹp là có chứ, đó chính là sự cộng hưởng từ nhiều phía, trước hết giữa nhà quản lý với những người trực tiếp làm giáo dục.

    Người làm quản lý giáo dục cần phải nhạy bén. Đổi mới giáo dục, trước hết thay đổi tư duy, não trạng của người thầy, đào tạo lại thầy. Thầy không thay đổi, sao trò thay đổi? Làm thầy hơn 20 năm nay, câu hỏi này, dưới một góc độ nào đó, với tôi, là khó đấy; vì thay đổi từng con người, nhất là những người đã qua tuổi 50, vào tuổi trung niên, bắt người ta thay đổi là thay đổi ra sao, kiểu nào?

    Hay là hai bên cùng nhau “thỏa hiệp”? Các nhà quản lý và người trực tiếp giảng dạy cùng thay đổi. Nếu không có sự vận động tích cực từ hai phía thì sẽ không tạo ra các giá trị mới cho nền giáo dục.

    Theo tôi, thời điểm canh tân rất thích hợp, hãy bắt tay vào, làm đi, đừng nói nhiều, đừng hô hào khẩu hiệu. Đưa ra một bài toán mà không chịu động não tìm lời giải, thì cũng vô ích. Đối với nền giáo dục nước ta, nếu quyết tâm thay đổi và bắt tay vào hành động, tôi tin sẽ có biến chuyển tốt.

    Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình - giảng viên khoa Toán, ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM