Tại Hà Nội, sáng ngày 29/11/2023, Hội thảo Hợp tác Phát triển Nhân lực ICT giữa các doanh nghiệp và Cơ sở đào tạo đại học với chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường" do Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông và FISU (CLB các Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông) tổ chức. GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ - Chủ tịch FISU đã phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, với các bước xây dựng kế hoạch hành động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Tham gia tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Sơn - Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, đã trình bày chủ đề "Nhân lực ngành Thiết kế Vi mạch: Cơ hội và Thách thức". Theo TS. Nguyễn Minh Sơn, nguồn nhân lực ngành Thiết kế Vi mạch cần phải được gắn liền với hệ thống các trường đào tạo, với doanh nghiệp. Hiện tại, nhu cầu Doanh nghiệp cần trung bình 150 kỹ sư Thiết kế Vi mạch mỗi Quý và nhu cầu nhân lực luôn tăng trưởng 10-25% tùy theo mỗi Quý trong năm. Mức lương trung bình cho kỹ sư mới ra trường hàng năm khoảng 180 triệu - 225 triệu VNĐ. Sinh viên ngành này cần được trang bị kiến thức cơ bản về Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ, Điện tử, Vật lý bán dẫn, Máy tính, Lập trình; kiến thức chuyên sâu về thiết kế vi mạch; và các kỹ năng thiết kế bằng các công cụ chuyên sâu. Việt Nam đã bắt đầu tham gia để hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi Vi mạch Bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo với doanh nghiệp, trong đó nền tảng đào tạo ra những sinh viên, những kỹ sư ưu tú rất quan trọng. Chúng ta cần có giải pháp để tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực này phục vụ cho sự phát triển ngành Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn của Việt Nam. Dự kiến, ngành Thiết kế Vi mạch sẽ được UIT tuyển sinh vào năm 2024. “Từ năm 2006, Trường ĐH Công nghệ Thông tin đã tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế Vi mạch. Trước mắt, trong năm học 2024-2025, Trường ĐH Công nghệ Thông tin dự kiến tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thiết kế Vi mạch bảo đảm kiến thức và kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà trường sẽ lên phương án cho các chính sách hỗ trợ học bổng, đầu tư cơ sở vật chất về phòng thí nghiệm, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu” PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin cho biết thêm.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Cục Công nghiệp CNTT-TT, chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học hàng đầu về CNTT, các doanh nghiệp công nghệ số, các Hiệp hội CNTT-TT và các cơ quan liên quan nhằm chia sẻ thông tin về nhu cầu lao động CNTT-TT, nội dung đào tạo, việc đưa các công nghệ số mới vào giảng dạy cũng như việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo CNTT.
Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/UIT.Fanpage/posts/pfbid0qHxQjefPwfVLZC9S4tagcK424GJN2r4WQgS4fzri59sahvu2s4iqLiCTqBHAND7Gl
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin