Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin – Điểm đến của sinh viên yêu thích Ngành ANTT

Ngày 14/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực An toàn, An ninh thông tin đến năm 2020” [1]. Trong Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ là 1 trong 7  cơ sở đào tạo trọng điểm về An toàn, An ninh thông tin trên cả nước.

Trên thế giới, chỉ trong hai năm từ 2009 tới 2011, số lần tấn công mạng vào Hoa kỳ đã tăng đến 17 lần, trong đó nạn nhân chính là các hệ thống điện, nước, điện thoại di động và máy tính của cả chính phủ và các tập đoàn tư nhân hàng đầu của Mỹ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng Hoa kỳ, ngôn từ “chiến tranh Mạng” đã được nhắc đến nhiều đặc biệt là sau các cuộc tấn công năm 2009 vào hệ thống hạ tầng mạng của các công ty năng lượng Hoa kỳ và năm 2010 vào hệ thống hạ tầng mạng các công ty công nghệ hàng đầu Hoa kỳ như Google, Cisco. Đặc biệt sau các cuộc tấn công vào hệ thống hạ tầng mạng năng lượng quốc gia, ngoại trưởng Hoa kỳ đã phải tuyên bố rằng những nước, những tổ chức hay cá nhân tham gia vào các cuộc tấn công mạng phải đối mặt với hậu quả và sự lên án quốc tế.

Trong các năm 2012-2013, các công nghệ tấn công mạng và hệ thống dữ liệu tiếp tục được phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên có tổ chức hơn. Ví dụ vào tháng 10/2012, một biến thể của Virus Flame – (MiniFlame) đã được phát hiện với những khả năng lấy cắp thông tin, điều khiển hệ thống bị xâm nhập và tự xoá mình theo lệnh từ một trung tâm chỉ huy. Rõ ràng, việc xây dựng các loại Virus có khả năng tấn công cao đã được dịch chuyển từ một vài cá nhân tự phát sang các công ty có tổ chức chuyên nghiệp và còn có thể ở các mức độ tổ chức cao hơn. Đây là mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của các cơ quan an ninh trên toàn thế giới.

Để đối phó với nguy cơ tấn công mạng và cũng để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mạng có khả năng xảy ra trong tương lại, nhiều chính phủ trên thế giới đã triển khai  nhiều chiến lược xây dựng và củng cố đội ngũ chuyên gia về an ninh thông tin như một thành phần không thể tách rời của hệ thống an ninh quốc gia. Tại Hoa kỳ, hàng loạt những bộ phận nghiên cứu, điều tra về an ninh mạng được thành lập trong các cơ quan chính phủ như Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, CIA, FBI, NSA và đã thu hút một số lượng rất lớn nhân lực chuyên sâu về An ninh thông tin. Tại Israel, một đơn vị đăc biệt với mã số 8200 chuyên trách về đảm bảo an ninh thông tin và đối phó với chiến tranh mạng đã được xây dựng và phát triển với tốc độ rất nhanh, hiện nay quy mô của đơn vị này được so sánh tương đương với cơ quan NSA tại Hoa kỳ.

Tại Việt nam, tình hình An ninh Thông tin trong nước cũng đang diễn biến phức tạp. Do đó, việc đào tạo kỹ sư ANTT là một nhu cầu bức thiết để cung cấp đội ngũ kỹ sư có chuyên môn sâu về ANTT để đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc nhiều Website bị tấn công nhiều lần với nhiều kỹ thuật khác nhau, các hệ thống Thương mại Điện tử bị thâm nhập bất hợp pháp, các vụ chiếm đoạt tên miền, các thông tin và dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, bị xoá, các biến thể vi rút mới xuất hiện và nhiều dạng mã độc đang hoành hành. Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu về An ninh Thông tin có đủ khả năng đối phó với các nguy cơ và rủi ro mất an toàn thông tin chính là chìa khóa để đưa công nghệ Mạng và Truyền thông trở thành một động lực bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt nam.

Tại Việt nam, theo đánh giá của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) và Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT), nguồn nhân lực cho lĩnh vực an toàn thông tin hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, phần lớn các chương trình đào tạo về An ninh Thông tin đều là ngắn hạn dưới dạng chứng chỉ và sử dụng các tài liệu nước ngoài.Ở một số trường đại học, sinh viên ngành Công nghệ Thông tin được bổ sung vào ngành học một số môn học về An ninh Thông tin nhằm giúp sinh viên khi tốt nghiệp có thêm kiến thức và khả năng để có thể làm việc trong lĩnh vực bảo mật mạng và bảo mật thông tin. Trước yêu cầu cấp bách của xã hội đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực An toàn, An ninh thông tin đến năm 2020” đưa ra 3 quan điểm chỉ đạo:

+ Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực An toàn, An ninh thông tin là một trong những giải pháp bảo đảm chủ quyền số quốc gia, làm chủ không gian mạng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

+ Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực An toàn, An ninh thông tin là một phần quan trọng của nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, góp phần bảo đảm thực hiện thành công Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.

+ Phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức đào tạo ngắn hạn cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng và đào tạo chính quy dài hạn nhằm bảo đảm năng lực quốc gia về An toàn, An ninh thông tin.

Với đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ, giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin thuộc ĐH QG TP HCM được giao nhiệm vụ đào tạo học viên có trình độ đại học và trên đại học về An toàn, An ninh thông tin chất lượng cao.

Chương trình đào tạo Đại học ngành An ninh Thông tin cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực An ninh Thông tin, An toàn truyền thông và mạng máy tính đủ rộng về ngành nghề, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu. Đồng thời, chương trình đào tạo Đại học ngành An ninh Thông tin cần được xây dựng sao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp vừa có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu bảo mật của công nghệ Mạng và Truyền thông hiện đại vừa có kiến thức nền tảng cho phép họ có cơ hội tiếp tục học tập và công tác lâu dài.

 

 ANTT 1

Hệ thống PureFlex của IBM được UIT triển khai đầu tiên tại Việt Nam

 

ANTT 2

Phòng server của UIT

 

Sinh viên Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin trong những năm vừa qua luôn nổi bật trong phong trào rèn đức luyện tài và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực ANTT. Trong kỳ thi sinh viên với An Toàn Thông Tin toàn quốc năm 2013 do Bộ Giáo Dục và Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam tổ chức, đội tuyển ANTT của Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin đã xuất sắc giành giải nhất trước những đối thủ mạnh. Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin đã vinh dự nhận bằng khen của bộ GDĐT về thành tích này. 

image002

Đội Navi - sinh viên UIT, tham gia cuộc thi Sinh viên với An Toàn Thông Tin 2013

 

image004

TS. Nguyễn Anh Tuấn- UIT nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  trong cuộc thi An toàn Thông tin

Ngoài ra, với quan điểm luôn cập nhật và nâng cao trình độ ngang tầm thế giới, Đại Học Công Nghệ Thông Tin có những mối hợp tác quốc tế sâu và rộng với các trường như Đại Học Kỹ Thuật Vienna, CH Áo; ĐH California, Los Angeles, Mỹ. Với sự hỗ trợ của các giáo sư hàng đầu thế giới tại các trường, viện này, chương trình ANTT tại Đại Học Công Nghệ Thông Tin sẽ có nhiều yếu tố vượt trội nhằm mang lại cho sinh viên những kiến thức rất cập nhật.

ANTT 3

PGS.TS Dương Anh Đức thăm và làm việc tại UCLA

Tất cả những yếu tố về con người, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, và những sự trợ giúp từ cộng đồng khoa học ANTT trên các trường ĐH trên thế giới sẽ là nền tảng vững chắc giúp cho sự thành công của chương trình ANTT tại Đại Học Công Nghệ Thông Tin. Trường Đại học Công nghệ Thông Tin, điểm đến của ngành ANTT.