Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Trường đại học ưu tiên Tuyển thẳng đội tuyển bóng đá nữ: Nhìn từ câu chuyện cần câu hay con cá?

Ngày 10/2, PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM đã ký văn bản gửi UBND TPHCM và Sở VH-TT TPHCM, về việc ưu tiên xét tuyển thẳng đối với các thành viên của Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia.

Vừa qua, người hâm mộ cả nước lại có thêm niềm vui mới trong những ngày đầu Xuân khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã giành thắng lợi thuyết phục 2-1 trước đội tuyển nữ Đài Loan (Trung Quốc) ở vòng đấu play-off châu Á tại Ấn Độ. Chiến thắng này đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử để lần đầu trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023. Đây quả thật là một hành trình đầy khó khăn, gian nan, vất vả bởi những cô gái của chúng ta phải liên tục đối đầu với các đối thủ mạnh và những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Sau chiến thắng rực rỡ ấy, các VĐV nữ đã nhận về sự quan tâm rất lớn từ phía Chính phủ, các đơn vị tài trợ và người hâm mộ. Tiền thưởng liên tục được đổ về, mức sống của các cô gái cũng được nâng cao lên rất nhiều so với trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho thầy trò HLV Mai Đức Chung mà còn cho bóng đá nữ Việt Nam sau này. 

Tuy nhiên, câu chuyện thiệt thòi của những cầu thủ nữ trong quá khứ vẫn còn đó. Họ phải hy sinh nhiều, nỗ lực hơn đồng nghiệp nam nhưng đãi ngộ thì không tương xứng. Để họ sống tốt với nghề đã khó, chưa nói có thể phát triển như nhiều ngôi sao bóng đá nam hiện nay. Cụ thể, ở những đội bóng lớn như Hà Nội hay TP.HCM, một cầu thủ nhận 5-7 triệu tiền lương. Những cầu thủ ở đội bóng nhỏ hơn còn nhận ít hơn con số nói trên. Năm 2019, cầu thủ của đội nữ Thái Nguyên nhận chế độ ăn 100.000 đồng mỗi ngày. Họ không có lương mà chỉ được hỗ trợ 60.000 đồng cho một ngày tập luyện, trừ thứ 7 và chủ nhật. Tính ra có cầu thủ nhận được khoản tiền hỗ trợ khoảng 1,3 triệu đồng, con số bằng 1/5 các công nhân ở xứ chè. Để theo đuổi đam mê, nhiều cầu thủ còn phải đi làm công nhân, làm thêm công việc bên ngoài. Liệu rằng trong tương lai, câu chuyện quá khứ này có còn lặp lại khi các cầu thủ thất bại trên các đấu trường lớn, sự quan tâm của người hâm mộ cũng qua đi?

Không những vậy, câu chuyện tuổi nghề vẫn luôn là bóng ma trong sự nghiệp của các cầu thủ nữ. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan (điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế, thể lực, phương pháp huấn luyện...)  hầu hết các cầu thủ nữ thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 30 đến 35, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với tuổi nghề của các nghề nghiệp khác

Rời xa sân cỏ, các nữ cầu thủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nếu không có một nền tảng vững chắc về kiến thức. Chính vì vậy, câu chuyện Trường ĐH Công nghệ Thông tin tạo cơ hội và điều kiện nhằm đảm bảo tương lai cho các VĐV bằng cách trao học bổng và xét tuyển thẳng là một hành động nhân văn, trao cho các cô gái chiếc “cần câu” nhằm xây dựng cuộc sống sau này.

Xa hơn, việc dành suất tuyển thẳng cho các cầu thủ nữ thể hiện một góc nhìn giáo dục mới của lãnh đạo của Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Nhà trường đề cao nhiệm vụ kiến tạo nên một tương lai bền vững cho đất nước bằng việc xây dựng nên những thế hệ sinh viên tài năng, đảm bảo mặt chuyên môn cũng như các vấn đề về sức khỏe. Với tầm nhìn xa như vậy, việc trao cơ hội cho những cầu thủ nữ là bước đi đầu trong công cuộc đóng góp xây dựng đất nước của nhà trường. 

“Kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn khởi nguồn từ việc xây dựng và trang bị kiến thức cho các tài năng thể thao là những giá trị mà tại UIT, chúng tôi đang theo đuổi”  - PGS. TS Nguyễn Hoàng Tú Anh (hiệu trưởng nhà trường)  chia sẻ.  

Nguồn: Thụy Văn - Tuyển sinh UIT

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://tuyensinh.uit.edu.vn/truong-dai-hoc-uu-tien-tuyen-thang-doi-tuyen-bong-da-nu-nhin-tu-cau-chuyen-can-cau-hay-con-ca

 

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin