TTO - Từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã thanh tra 212 doanh nghiệp, kiểm tra hơn 10.000 máy tính, xác định có nhiều đơn vị vi phạm bản quyền và đã tiến hành xử phạt lên tới gần 2,9 tỉ đồng.
Sử dụng phần mềm lậu, bẻ khóa (crack) có nguy cơ lây nhiễm mã độc rất cao, rủi ro cho dữ liệu - Ảnh minh họa: Internet |
Thanh tra Bộ này cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp mua phần mềm có bản quyền với số tiền lên đến gần 70 tỉ đồng.
Những thông tin này được ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết tại buổi kỷ niệm 5 năm Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Chương trình Hợp tác Bảo vệ Bản quyền Chương trình Máy tính tại Việt Nam.
Ông Phúc cho biết các doanh nghiệp bị kiểm tra chủ yếu là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh nước ngoài tại Việt Nam. Điều này cho thấy vi phạm về bản quyền phần mềm chủ yếu do doanh nghiệp liên quan đến nước ngoài thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Do đó, việc tăng cường chống vi phạm bản quyền phần mềm phải được thực hiện đồng bộ trong và ngoài nước, nhất là với các đối tác nước ngoài.
Tại buổi kỷ niệm, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm (BSA) cho biết hiện Việt Nam không còn nằm trong nhóm các quốc gia có tỉ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.
* Nhịp Sống Số: Mỹ xử tù doanh nhân Trung Quốc ăn cắp phần mềm
Cụ thể, năm 2004, Việt Nam có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm lên đến 92% nhưng đến hết năm 2011 chỉ còn 81%.
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm.
Theo mục tiêu đề ra, trong 5-7 năm tới, Việt Nam sẽ giảm tỉ lệ này xuống còn 70%.
M.QUANG