Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Giải 'cơn khát' nhân lực và đón đầu xu thế ngành công nghệ vi mạch

Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chíp bán dẫn trong những năm gần đây đã làm “tê liệt” dây chuyền sản xuất tại một số quốc gia. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở khu vực Đông Nam Á nổi lên như một giải pháp và Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi đầu tư giá trị bán dẫn toàn cầu.

Khách tham tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) vô cùng quan tâm đến các sản phẩm vi mạch của UIT

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, 5 năm tới, nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người có trình độ đại học trở lên. Hiện, nguồn nhân lực trong nước mới đáp ứng khoảng 20%.

Hiện, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch tăng vọt. Các trường đại học đã nhìn nhận việc này và xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo. Bộ GD&ĐT đã tập hợp kế hoạch của các trường để có kế hoạch tổng thể. Với kinh nghiệm của các trường, việc mở rộng quy mô đào tạo là có thể. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn:“Vấn đề là, làm sao để đảm bảo chất lượng trong điều kiện các phòng thí nghiệm, trang thiết bị còn hạn chế. Chúng tôi sẽ có kế hoạch để đề xuất nâng cao năng lực, nhằm thu hút nhiều sinh viên theo học ngành công nghệ vi mạch”.

Cả nước hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực cho một số công đoạn của công nghệ vi mạch. Trong đó, 11 trường đại học đào tạo ngành gần với ngành này như: Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển tự động hóa, kỹ thuật máy tính…; trong đó có thể chọn một số trường đóng vai trò chủ lực để đầu tư trọng điểm, làm nòng cốt cho công nghiệp bán dẫn.

Một buổi học về thiết kế vi mạch của sinh viên UIT

Viện dẫn báo cáo của Trung tâm Dự báo nhân lực TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay, nhân lực công nghiệp bán dẫn là 1 trong 4 nhóm ngành trọng điểm của thành phố vào năm 2030. Do đó, trong thời gian tới sẽ rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong giai đoạn 2023-2030, ĐHQG-HCM xây dựng khung chương trình đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Vi mạch, trình độ tiên tiến cho khoảng 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Nhiều năm qua, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng các chương trình đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch hay vi mạch bán dẫn. PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh thông tin, năm 2006, Trường ĐH Công nghệ Thông tin đã tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế Vi mạch. Trước mắt, trong năm học 2024-2025, Trường ĐH Công nghệ Thông tin dự kiến tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thiết kế Vi mạch bảo đảm kiến thức và kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà trường sẽ lên phương án cho các chính sách hỗ trợ học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Đồng thời đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo “cần nhanh chóng xem xét, bổ sung mã ngành đào tạo trực tiếp về vi mạch bán dẫn, hướng dẫn xây dựng ngành, chương trình đào tạo; kết nối chuyên gia, trường đại học quốc tế với các trường đại học, cơ sở đào tạo ở Việt Nam... để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch”.

Thông tin tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ Thông tin
Website: https://tuyensinh.uit.edu.vn/
Email: tuyensinh@uit.edu.vn